Độc giả Nguyễn Khắc Hùng, sinh sống tại CHLB Đức gửi về, trong thư, anh chia sẻ câu chuyện đau lòng của chính người cha, người mẹ của mình.

Họ đang bị con cái lợi dụng chính cái chết để chia chác, để làm giàu.

Bức thư xúc động từ nước Đức: “Chia chác” trong đám tang cha - 0

Kính gửi tòa soạn Báo!

Tôi xin kể câu chuyện của gia đình tôi để những người mẹ, người cha hãy ĐỀ PHÒNG với những người con bất hiếu, coi tiền bạc hơn cả tình nghĩa.

Tôi là Nguyễn Khắc Hùng, sinh sống tại CHLB Đức.

Tháng 8/2012 vừa rồi bố tôi mất đột ngột, mặc dù mẹ tôi vẫn còn, tôi là con trai trưởng, thế nhưng mọi việc trong gia đình tôi đều do hai đứa em dâu (Dâu thứ hai và thứ ba trong gia đình) tự quyết.

Bố tôi mới mất được hai hôm vậy mà tất cả tiền phúng viếng hai thằng em trai và hai đứa em dâu mang ra họp bàn CHIA CHÁC (không cho tôi họp bàn).

Lúc chia tiền, mẹ lại gọi tôi ra để làm nhân chứng và bảo:

“Tiền phúng bố của ai thì người đó được thu về” (mặc dù tiền bỏ ra làm ma chay là của mẹ cũng là tiền của tôi gửi về để cha, mẹ dưỡng già).

Lúc chia tiền nong thì chúng cười nói hả hỉ (như bắt được tiền của thiên hạ đánh rơi vậy).

Ví dụ như: Cái phong bì này tên của bạn chị, cái này của bạn em, cái này của mẹ… cứ thế cho đến khi chia nhau hết hơn 100 triệu VND.

Khi tôi phản ứng thì cả 4 đứa em trai và em dâu đều nói đó là LUẬT của Việt Nam, chúng lấy tiền phúng viếng của bố tôi hôm nay chỉ là để sau này chúng trả nợ???

Thật là loại BẤT NHÂN…

Điều đáng nói ở đây là 2 đứa em trai tôi đều thuộc dạng gia đình giàu có vào bậc trung lưu của xã hội Việt Nam, có xe hơi, có nhà riêng tới vài cái, có tài sản chìm nổi nữa… vậy mà tham lam quá!

Cuối cùng, để giải tỏa nỗi bức xúc xin tòa soạn hãy đăng bài viết của tôi lên trang báo để cho tất cả mọi người suy ngẫm xem, sống thế có được không, có trọn đạo hiếu không…

Xin bạn cảm ơn tòa soạn đã đọc và hiểu được tâm trạng của tôi.

LTS: Ông cha ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, thế nhưng vẫn có những người không những không chăm sóc chu đáo cho cha mẹ mình mà còn lợi dụng đám tang của người thân để bàn chuyện quyền lợi, chia chác.

Người già, khi đã đến tuổi “gần đất xa trời”, có lẽ tiền bạc không khiến họ hạnh phúc bằng sự hiếu thuận, chăm sóc của con cháu và không khí ấm áp trong gia đình.

Và những đứa con “có hiếu”, thay vì chờ tới khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay mới quan tâm bằng những mâm cỗ bạc triệu, chi bằng hãy yêu thương, kính trọng họ ngay khi còn khỏe mạnh.

Độc giả Nguyễn Khắc Hùng




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC