Các hội đoàn người Việt ở nước ngoài nên thường xuyên tổ chức những buổi họp mặt giao lưu. Đó  là một việc làm rất quan trọng và cần thiết đối với cộng đồng ta ở nước sở tại. 

Giữ gìn dân tộc gốc Việt là nét đẹp văn hóa và rất đỗi  thiêng liêng.

Qua đó khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, yêu người đồng bang và đặc biệt tăng sự liên kết để bảo vệ, tương hỗ cho nhau khi có những biến cố bất trắc không lợi xảy ra với cộng đồng người Việt.

Biết đâu có ngày „Chúa thì ở xa; Phật thì im lặng“. Chúng ta biết cầu cứu vào đâu?

Nếu so với các cộng đồng của các nước, ví dụ như cộng đồng người Thổ thì tính đoàn kết của người Việt ta kém hơn nhiều so với họ.

Tôi hay nói vui là những tính cách như ăn mảnh, đánh lẻ, chộp giật hay khôn mà không ngoan… hình như đã truyền kiếp và nhiễm vào máu chúng ta từ những cuộc chiến tranh du kích trường kỳ của các đàn anh và của cha ông mình.  

nguoi viet to chuc tiec

„Qua nửa đời phiêu bạt“ hay cả đời phiêu bạt đi chăng nữa thì cái kiểu „đánh lén, đánh úp“, ranh mãnh, khôn lỏi hay „mũ ni che tai“, thì cũng cứ là „đốt mãi trong tôi, cháy mãi trong tôi“ và  lưu giữ mãi trong tôi mà thôi (tôi nói hơi bi quan một chút).

Dịp Tết vừa qua rất nhiều hội đoàn lớn nhỏ tổ chức những buổi liên hoan rất rầm rộ và vui.

Các hội đoàn nhỏ, lượng người tham gia không nhiều thì đỡ lộn xộn và nhắm mắt cho qua được, miễn là tạo ra một sân chơi có ăn, có uống, có hát, có ảnh đưa lên Facebook để đàm tiếu và được „chém gió“ ở trạng thái mơ màng một cách vô tư mà không ai đánh thuế là vui và gửi được „thông điệp“ đi rồi…

Nhưng có những hội đoàn lớn thì việc tổ chức để đi vào  nề nếp cho văn minh, có nếp sống văn hóa và lịch sự là rất nan giải.

Đó là sự vô ý thức của một số người đến dự.

Họ đến muộn, ngại chào hỏi và giao lưu; Chăm tìm đồ uống, đồ nhậu hơn là  tìm người bắt tay để thăm hỏi, chuyện trò cởi mở.

Trên khán đài thì người nói cứ nói, ở dưới thì chuyện như ngô rang, cười như bánh đa vỡ.

Nói năng, cử chỉ đôi chỗ còn  thô lỗ bất lịch sự.

Có những hội đoàn cần có quan hệ với nhà chức trách nên những dịp quan trọng  mời họ tới.

Có vị khách là chủ tịch quận, nghị sỹ quốc hội hay chủ tịch một đảng nào đó.

Họ lên phát biểu, có cả phiên dịch hẳn hoi.

Nhưng khi họ phát biểu và chia sẻ thì một số người ở dưới không thèm để ý, cho đó là „chuyện vặt“. Họ vẫn nói chuyện to, chạm cốc với nhau lia lịa.

nguoi viet to chuc tiec 1

Cái đó thật là đáng buồn và làm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ich về vật chất cũng như tinh thần của cộng đồng ta.

Làm cho cách nhìn và đánh giá của các nhà chức trách với cộng đồng ta càng thêm khập khiễng.

Có khi chỉ là một cái nhún vai của họ. Mà người để ý hiểu ra thấy nhục và đau đớn ê chề.

Cộng đồng cần họ, nên mời họ đến. Vì nể nang và có chút cảm tình với mình mà họ tới.

Ai ngờ khách đến, chủ tiếp lại có những thái độ bất lịch sự ấy bầy ra trước nhãn tiền.

Một sự thất vọng không ngờ.

Vô tình mà „thành quà ấn tượng“ khi ra về khách phải mang theo.

Thêm vào đó là bao nhiêu sự lộn xộn.

Trẻ con thì bố mẹ buông lỏng, không hướng dẫn các cháu xếp hàng vỗ tay cổ súy đi theo múa Lân mà các cháu đi theo để đấm đá lung tung vào đầu vào lưng và mông „đít“ Lân.

Người lớn thì đi ra, đi vô, cầm I-Phone quay, chụp trên, dưới, trái, phải lung tung cả.

Ai cũng muốn thể hiện nghề „phóng viên“ không chuyên của mình. BTC dẫu có trăm tay nghìn mắt cũng chịu.

Cử nhân, tiến sỹ không có thời gian ăn, phải bê nước, thu gom rác và lau bàn; Đến sớm và về muộn (làm không công) để mấy ông nhậu nhẹt lai rai làm mất trật tự là chuyện bình thường.

Quan sát toàn cảnh hội trường, lúc có người phát biểu, tôi thấy kẻ đứng người ngồi, cô cười, anh nói.

Đúng là một nền tự do, dân chủ và bác ái đến tuyệt đỉnh. Sống động đến kinh người.

„Hỏi ở đâu trên trái đất này“ mà lại được  mạnh ai người đó đều được phép làm như ở nơi đây?!

Tôi ngồi trong một xó hẻm, giấu mình chỗ gần thùng loa, để ý số người chạy lăng xăng còn đông hơn số người ngồi yên vị.

Tất cả hội trường nhốn nháo như một con rối khổng lồ. Nhiều khi khách Đức phải chạy toán loạn.

Tôi chưa kể có lúc loa đài đập thình thình đến vỡ cả màng nhĩ do ai đó vặn sai nút.

Tất nhiên hội hè là phải vui, là nơi để chúng ta thả hồn, giao lưu bạn bè với nhau, xóa bỏ sự căng thẳng về tinh thần trong những tháng ngày làm việc mệt nhọc.

Nhưng vì chúng ta chưa học được cách hưởng thụ thế nào để cho đúng, cho văn minh để có lợi cho mình và cho cả mọi người.

Sự tôn trọng, tình thương yêu đùm bọc và biết ý với nhau.

Đã là người thì ai cũng có nhu cầu cả.

Sang năm mới, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng cộng đồng ngày thêm vững mạnh. Những tồn tại yếu kém trên đây hy vọng sẽ khắc phục được.

Cái DANH của người Việt phải được thường xuyên gột rửa và lau chùi như cánh cửa sổ ở căn nhà của các bạn và của tôi.

Đức ta càng phải chăm lau hơn vì là nơi  rất xa xôi, cách trở và dễ ảnh hưởng đến Tổ tiên mình.

Chúc bạn đọc những ngày đầu năm mới vui vẻ và cũng đừng bức xúc và quá bận tâm với mấy thứ „ba lăng nhăng“ và „dở hơi“ này. Tất cả rồi sẽ tốt đẹp. Khi cộng đồng ta biết yêu thương và dám manh dạn vỗ vai nhẹ nhàng, ý tứ bảo ban nhau.

Xin cảm ơn.

Nguồn: Nguyễn Doãn Đôn - Berlin
Facebook.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC