Công dân hạng hai? - Nguyễn Hoàng (Berlin) Berlin, Thủ đô CHLB Đức, một ngày cuối hè 2012… 

 

  Trời nắng nóng, nhiệt độ giữa trưa lên đến hơn 30ºC, quả thật là không hề dễ chịu chút nào cho người dân đã từng quen sống ở đây, trong một môi trường thời tiết, khí hậu vốn dĩ ôn hoà gần như quanh năm suốt tháng. Trên đường gần trung tâm thành phố, cạnh một bến tàu điện, người lên, người xuống, mải miết, hối hả như tác phong sẵn có của họ, và cũng có thể càng hối hả thêm vì cái nóng bất thường.

Cùng hòa vào trong dòng người là một người đàn ông trung niên có ngoại hình châu Á. Đang đi đột nhiên bỗng anh ta khựng lại, lảo đảo ngã quỵ xuống đường, ôm bụng và quằn quại. Thấy cảnh đó, nhiều người đã đứng lại, hoảng hốt rồi chạy tới để thăm hỏi cứu hộ. Một phụ nữ có con nhỏ vội rút điện thoại cầm tay gọi ngay cấp cứu. Chưa đầy mươi phút sau, xe cứu thương đã có mặt. Bốn nhân viên cứu trợ vội vã, khẩn trương sơ cứu, rồi cấp tốc chở nạn nhân tới bệnh viện.

Nạn nhân là một người Việt tỵ nạn. Ở Đức đã vài năm nay, nhưng vì lí do không chính đáng, nên cuối cùng bị bác đơn, hiện đang được sống tạm dung và chờ ngày sẽ bị trục xuất về nước. Theo lời nạn nhân kể lại, khi đang đi bỗng dưng bị giật mạnh, người như bị có kim đâm vào các đốt cột sống, đau buốt nhói đến tận tim gan và không thể nào đứng lên đi tiếp được nữa. Vào viện ngay lập tức anh được đưa thẳng vào khoa cấp cứu, tiêm thuốc giảm đau và chiếu chụp toàn thân để xác minh nguyên nhân. Không hề cần biết là người nước nào, tình trạng cư trú và bảo hiểm ý tế của anh ra sao, việc điều trị đã được tiến hành như với bao bệnh nhân khác.

Hầu hết tất cả mọi người dân sống ở Đức đều có chế độ bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế. Đó là nghĩa vụ đồng thời cũng là quyền lợi của tất cả mọi người. Tuy nhiên nếu là người tỵ nạn, lưu vong không có giấy tờ, họ sẽ không thể nào có bảo hiểm được. Vì thế trong trường hợp này có thể sẽ không được trả một đồng xu cho công việc của mình, song các nhân viên của bệnh viện từ y tá đến bác sỹ vẫn phải tận tình chăm sóc và dùng hết mọi khả năng để cứu chữa.

Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ của mình và tình trạng sức khỏa của bệnh nhân đã tạm ổn, nhân viên bệnh viện kiểm tra giấy tờ tùy thân để xác định danh tính mới biết nạn nhân là Tran V D, một công dân Việt nam, đang tỵ nạn ở Đức, không có bảo hiểm y tế và chỉ có rất ít tiền bạc mang theo trong người.

Bệnh không khỏi ngay, anh D phải nằm lại viện để tiếp tục điều trị. Vì một chữ tiếng Đức cũng không hề biết, buộc bệnh viện phải mời phiên dịch đến, bởi việc điều trị không chỉ dừng lại ở mức chiếu chụp và cho thuốc giảm đau. Phiên dịch được gọi vào lúc 2 giờ chiều của ngày hôm sau, khi xảy ra sự việc. Người viết bài này là phiên dịch viên đã được tận mắt chứng kiến toàn bộ những gì xảy ra sau đó ở bệnh viện này. Đó là bệnh viện quân đội Đức Bundeswehrkrankenhaus Berlin.

Bệnh viện quân đội Đức ở Berlin là một trong năm bệnh viện quân đội lớn và hiện đại nhất tại CHLB Đức. Bệnh nhân điều trị ở đó không chỉ là quân nhân đủ các cấp bậc mà còn bao gồm cả các thành viên của Chính phủ cũng như các nghị viện Quốc hội. Đáng kể hơn là tất cả dân chúng bình thường, trong đó có những người như anh D, một người Việt tỵ nạn và là một thành viên của cộng đồng chúng ta đang sống ở đây.

Ai đã đến từng đến bệnh viện này đều không khỏi có ấn tượng hết sức khác lạ so với những nơi khác. Hầu như tất cả các y bác sỹ đều trong đồng phục quân y, một màu trắng tinh, được là thẳng nếp với đầy đủ quân hàm, quân hiệu của mình. Không khí làm việc nghiêm túc cũng đã toát ra từ đó. Lẻ tẻ có một vài tình nguyện viên hay nhân viên vệ sinh là trong các bộ quần áo lao động bình thường vẫn thấy như ở các bệnh viện khác.

Vào phòng tiếp, sau khi tự giới thiệu là phiên dịch cho bệnh nhân Tran V D, được đáp lại bằng nụ cười rất tươi của một nữ y tá “xin mời vào, chúng tôi rất mừng vì ông đã tới “. Chỉ dăm phút sau, bác sĩ phụ trách và một y tá khác đã có mặt và cùng phiên dịch tới phòng bệnh nhân. Phòng rộng chừng 20 m² sạch sẽ, sáng sủa với đầy đủ tiện nghi như vẫn thường thấy trong các bệnh viện khác ở Đức gồm Tivi, điện thoại, nước uống, tủ cá nhân… Điều đáng chú ý là tuy rộng nhưng phòng chỉ có hai giường cho hai bệnh nhân, bên cạnh anh D là một công dân Đức. Tiêu chuẩn này thực ra chỉ để ưu tiên cho các bệnh nhân VIP có chế độ bảo hiểm sức khỏe đặc biệt như bảo hiểm tư hay bảo hiểm phụ thêm có chế độ cao cấp.

Sau khi hỏi chuyện bệnh nhân chừng 30 phút, biết rõ tình trạng và lai lịch bệnh tật từ trước tới nay, bác sỹ đã quyết định khám lại một lần nữa bằng biện pháp chiếu chụp cắt lớp MRT.

Bệnh nhân được chuyển sang khoa khác để làm thủ tục. Đích thân bác sỹ điều trị và một y tá trực tiếp vận chuyển bệnh nhân bằng xe đẩy dưới trời trưa nắng nóng để đến nơi chiếu chụp nằm riêng ở một khu khác cách đó chừng hơn trăm mét. Tuy rất nóng và mồ hôi nhễ nhại, nhưng cả y tá và bác sỹ vẫn luôn vui vẻ trong suốt quãng đường. Nhân có phiên dịch vị bác sỹ còn tranh thủ hỏi thăm thêm gia cảnh của bệnh nhân khi được biết anh ta là người tỵ nạn.

Đến khoa chiếu chụp, một nữ bác sỹ đã đứng tuổi bước ra tận cửa tiếp. Tuy giọng rất thiểu não nhưng nét mặt không hề cau có hay khó chịu “chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân đang đợi , không biết phải làm sao bây giờ?”, nữ bác sỹ cho biết. “Nhưng đây là trường hợp ngoại lê, bởi chúng tôi không thể để phiên dịch chờ lâu đươc” bác sỹ điều trị trả lời. Họ muốn tiết kiêm cho nhà nước tiền công phiên dịch! Sau một lát trao đổi nữ bác sỹ chấp thuận để công dân Việt Nam của chúng ta “chen ngang” mà không cần bất cứ một loại “phong bì ” nào. Phòng chiếu chụp MTR có tới bốn nhân viên gồm bác sỹ, trợ lí và các chuyên gia. Thời gian chiếu chụp kéo dài chừng 30 phút. Các bác sỹ và chuyên gia xem xét kết quả tại chỗ và chẩn đoán bệnh trong một phòng kín với đầy đủ máy móc và phương tiện hiện đại. Bên ngoài phòng đợi, khách và bệnh nhân được phục vụ nước uống và giải trí bằng sách báo miễn phí.

Công dân Tran V D của chúng ta quả thực là bất hạnh khi lâm bệnh ở một nơi xa lạ mà như người ta vẫn hay nhắc đến là „đất khách quê người“ trong khi không hề có thân nhân bên cạnh, song anh hết sức tin tưởng và yên tâm khi phải nằm điều trị ở bệnh viện. Tuy vẫn còn rất đau đớn và chưa biết bệnh tình của mình sẽ ra sao nhưng anh vẫn cố gắng gượng trò chuyện với người phiên dịch về những gì anh đã trải qua mấy hôm nay, từ khi anh gục xuống bên đường được những người không hề quen biết giúp đỡ, đến khi được nằm trên giường nệm trắng tinh tươm trong một bệnh viện thuộc hàng hiện đại nhất nhì nước Đức mà ở những nơi khác người dân thường có nằm mơ cũng không bao giờ thấy, cho đến khi có cả phiên dịch bằng tiếng mẹ đẻ cho mình ở một đất nước hoàn toàn lạ lẫm không phải là Tổ quốc của anh.

Với người viết bài này, đây không phải là lần đầu tiên dịch thuật cho đồng bào mình trong bệnh viện này và cũng không phải là người ít tiếp xúc với cuộc sống, xã hội ở đây cho nên cũng không có gì để lấy làm ngạc nhiên về những điều đó. Thời gian sinh sống ở Đức gần 30 năm cùng công việc luôn phải tiếp xúc với con người, cho phép cảm nhận tương đối chính xác và đánh giá tương đối công bằng về những gì mắt thấy, tai nghe. Câu chuyện tương đối bình thường, lẽ ra không có gì đáng nói ở đây, song hình ảnh các y, bác sỹ của bệnh viện quân đội Đức- Bundeswehrkrankenhaus Berlin – trong bộ quân phục một màu trắng tinh khiết, mồ hôi nhễ nhại vì công việc và tận tụy với tất cả bệnh nhân bất chấp họ là ai, đến từ đâu và thuộc tầng lớp nào, vất vả nhưng vô cùng nhân văn trong cái nắng trưa hè giữa thủ đô Berlin luôn hiện ra trước mặt, đeo đuổi buộc phải viết ra những dòng này để chúng ta cùng suy ngẫm.

Berlin, hè 2012

Nguyễn Hoàng

Theo tuoitrehatinh.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC