Hương vị Tết xa xứXa quê hương, nhọc nhằn để mưu sinh nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm nào cũng náo nức đón chờ Tết Nguyên đán. Ai ai cũng cố gắng chuẩn bị cho mình một cái Tết đầy đủ hương vị dân tộc để nhớ về tổ tiên, quê hương bản quán của mình.

Tết “xôm” hơn ở nhà

ở Antwerp, Bỉ, do phần lớn người Việt ở thành phố này đều mở nhà hàng nên không có nhiều thời gian và vẫn kinh doanh vào ngày Tết nên mọi người thống nhất sẽ họp mặt vào ngày Chủ nhật cuối cùng, gần Tết nhất để cùng nhau vui chơi và nâng ly chúc mừng Năm Mới. Thông thường, hàng năm bữa tiệc đón Tết có khoảng 40 người. Không cần hẹn trước nhưng mỗi người sẽ đem theo một món ăn tới góp vui, các món ít khi trùng nhau nên bữa tiệc đón Xuân thường rất hoành tráng. Theo những người Việt ở đây, bữa ăn dịp Tết không chỉ gói gọn trong các món cổ truyền như xôi, giò, bánh chưng mà là đủ một bộ sưu tập các món ăn Việt. Mọi người làm các món ăn gợi nhớ hương vị Việt Nam, đó là bánh cuốn, nem rán, cơm rang thập cẩm, càng cua bọc bột chiên giòn... Và cuộc họp mặt mừng Xuân thường kết thúc bằng màn thi hát karaoke và khiêu vũ.

Ở Mỹ, do cộng đồng người Việt tại đây khá đông nên hầu hết các món ăn, nguyên liệu, thực phẩm Việt đều có đầy đủ. Vào dịp Tết, một số gia đình hẹn nhau cùng gói bánh chưng, làm mứt cổ truyền để con em trong nhà không quên phong tục xưa. Các nguyên liệu để gói bánh như lá dong, đậu xanh, gạo nếp ngon đều được đưa từ Việt Nam sang, bánh sau khi gói được cho vào nồi áp suất hầm. Việc đi chùa đầu năm và mừng tuổi người già, trẻ em vẫn được người Việt ở đây giữ nguyên như khi ở quê hương.

Tết được nói tiếng Việt cả ngày

Đối với những người Việt sống tại Hong Kong (Trung Quốc) thì đây chính là một niềm mong chờ mỗi khi Tết đến. Thông thường, hội người Việt ở Hong Kong họp mặt đầu Xuân vào mùng 2 Tết. Các món ăn cổ truyền đều đầy đủ như bánh chưng, giò chả được làm tại chỗ hoặc đặt đưa từ Việt Nam sang. Dù hoa đào, thược dược, cúc đều có đầy đủ nhưng không thể khỏa lấp nỗi nhớ Tết quê hương... Vì vậy, việc được gặp gỡ, nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ mang lại một cảm giác ấm cúng, thân thương hơn với họ.

Dù truyền thống đón năm mới của lưu học sinh Việt Nam ở các nước như Anh, Đức, Pháp, Canada… không có gì khác biệt nhiều so với người thân nhân ở quê hương, nhưng cứ vào đầu năm, những bữa tiệc ấm cúng với những lời chúc mừng, chia sẻ thân thương luôn là nơi tìm về của những người xa quê. Đây còn là niềm vui chung của hơn 5.000 sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam hiện theo học tại các trường đại học của Nga và rất nhiều người Việt Nam đang học tập, lao động và sinh sống ở khắp nơi trên thế giới.

Theo Thế giới Việt Nam.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC