Cái giống chó này vào lúc này chẳng được cái tích sự gì. Thịt nó hôi. Vả có thơm thì chẹp miệng ba cái là hết cả đầu lẫn đuôi nó. Người ta không mất công đập chết chúng, hay mang chúng ra sông dìm.
Quan hệ giữa giống chó này với nguời không phải là quan hệ chủ tớ mà là quan hệ hàng hóa. Khi hàng mất giá thì giản tiện nhất là tống cổ mặt hàng bốn chân ấy ra đường. Và thế là thành phố đêm đêm lách nhách tiếng chó sủa. Sủa đèn đường. Sủa xe máy. Sủa dọa chuột cống. Sủa dọa nhau. Cũng có thể là những con chó bụi đời ấy chỉ sủa để mình nghe tiếng mình cho đỡ sợ. Ông hàng xóm của gã còn bảo là có khi chúng sủa cho đỡ buồn. Chó là giống vật gần vớI con người nhất trong nhu cầu biểu cảm. Giá mà chúng biết nói như người thì hẳn là lúc đó chúng sẽ ngâm thơ, sẽ rên lên một giai điệu nào đó trong một bài hát nào đó, sẽ khóc một tiếng khô khốc hoặc cười một tràng sặc sụa... Ông hàng xóm của gã nói điều đó vào buổi chiều mồng một lúc gã sang nhà ông chúc Tết. Thành phố tết nhất không có tiếng pháo, không có hơi pháo phảng phất một vẻ kỳ kỳ. Tiếng chó sủa mưa lách nhách ngoài đầu ngõ làm cảm giác ấy càng rõ. Bà hàng xóm liền vách nhà gã cùng sang chúc tết cười: "Bác nói hay qúa!" Gã cũng cười, ngó bâng quơ phòng khách của chủ nhà. Trường kỷ giả đồ cổ, chẳng biết bằng thứ gỗ gì mà đen bóng, khảm trai nhóng nhánh.
Tủ tường bằng foocmica loằng ngoằng một dây đèn xanh đỏ bật chớp nhoang nhoáng. Lịch hoa hậu toàn những mặt nhẵn như sừng trong bộ dạng thơ ngây dịu dàng đông lạnh. Một cành đào bích to đùng ngự trên bàn thờ che lấp cả tấm ảnh ông cụ vừa mất hồi đầu đông dựng đằng sau mấy bát hương. Cơ man là thiếp chúc mừng năm mới gài trên đó. Lại còn, trời ạ, cả đô. Ðồng một hay một trăm đô nhỉ? Mắt gã cận và gã phải cố lắm để dẹp đi cái ý muốn đến sát bàn thờ để nhìn cho rõ. Số giàu sao mà sướng. Chắc là trong nhà mừng tuổi nhau đây! Phải vợ gã, giá có được vài tờ một trăm đô như thế! ả chắc phải kẹp chặt vào đâu đó và dúi thật kỹ vào một đống quần áo lộn tùng phèo. Nửa kín nửa hở thế mới chắc. Cái thói thu vén ấy đã làm gã điên đầu không biết bao lần. Ðiên nhất là lần ả để lẫn mấy chỉ vàng. Có mấy chỉ thôi, dành dụm suốt bao năm chẳng dám sờ lần tới phòng lúc quẫn bách. ả lấy một cái khăn mùi xoa thắt từng chỉ thành một cái nút to tổ bố. "Ðể khỏi rơi." Và ả đã khóc nức lên vì bới mãi không ra cái khăn ấy trong cái tủ đựng trăm thứ bà dằn.
**
Hồi còn mấy chỉ ấy vợ gã đã tính rước về một ả chó cái lông xù tép bưởi. "Bằng nắm tay thôi, thuần chủng, không lớn được đâu." ả gạ gẫm. Thằng em ả lúc đó cũng có mặt đánh một câu: - Sao lại nuôi cái thứ không lớn được? Phải kiếm giống tốt, nhất bạch nhì khoang tam lang tứ đốm, cho ăn một bát phải lên được vài lạng. Rồi xức mắm tôm cho nó, sắm cho nó củ riềng đeo cổ. Thằng trời đánh nói xoẹt cái như máy dệt len, rồi cười sằng sặc, xong chạy bắn ra khỏi cửa, vớ xe phóng thẳng, để lại cho đương kim anh vợ là gã nguyên vẹn cơn giận của bà chị nó.
Cái ý định làm giàu trên lưng chó vợ gã theo đuổI rất "chì". Bất chấp những nguyên nhân khách quan ngăn cản. Bất chấp chuyện hai vợ chồng một đứa con chỉ có độc một cái giường một cái chạn một cái tivi hai màu đen trắng trong một căn phòng mườI bốn mét vuông. Bất chấp chuyện gã cực ghét những giống mềm mềm âm ấm gừ gừ. ả cũng không cả kịp nhớ ra việc thằng con dị ứng với đủ thứ không nhìn thấy được trong không khí. Tinh thần yêu chó của vợ gã lúc đó làm gã phát hoảng. Nghĩ tới cảnh nhịn miệng để bồi dưỡng cho nó đã đủ rầu. Sữa ông Thọ. Gan tươi. Thăn bò nõn. Cái giống ấy chỉ toàn xơi những của ngon thế. Rồi lại phải hầu hạ chị đàn bà bốn chân ấy cả chuyện dị hóa. Rồi lại phải lo bảo vệ trinh tiết cho ả chó cái chưa mua ấy để ả không đẻ ra những con chó con càng nuôi càng lớn... Gã cũng háo tiền y như vợ. Nhưng đúng là trong sự tính toán này gã thông minh hơn hẳn cô nàng.
Tuy nhiên, vào thời điểm chó lên ngôi chứ không phải lấm lét sủa lách nhách đầu ngõ gã cũng không dám nói điều gì ngăn vợ. Nội cái việc vợ gã hoàn toàn bình thản khi gã nộp lương đã đủ để gã hiểu gã may mắn như thế nào khi cưới ả. Lương "viện sỹ" gã đưa về còn ít hơn lương khoán của ả mỗi khi nhà máy ả tìm được hợp đồng. Gã lại còn không biết gỡ len, dệt len, khâu len như ả. Lấy những thằng như gã là người ta ngõi chuyện chồng đi Tây để rửa mặt với đời. Nhưng ngõi là một chuyện. Có đi được không lại là chuyện khác. Trông vào cái số. Tốt số hơn bố giàu. "Người quân tử ăn chẳng cầu no..." (1) Có lần gã đã rống lên câu ấy. Rồi tịt mít khi vợ đay bằng giọng vô cảm: "Người quân tử ăn chẳng cầu no! Có quân không ăn thì tử ấy chứ ngồi đó mà thơ với phú." Thế cho nên gã im lặng. Gã biết lắm. Bộ lông xù tép bưởi của con chó cái Nhật bằng nắm tay kia đang phát quang trước mắt vợ gã. ả nhìn thấy từ đó nhà hai tầng, đầu vidéo cho con tập hát karaoke, cái cúp kim vàng giọt lệ để vợ chồng con cái chất lên đấy mà phóng về ông bà nội ngoại. Và còn những qủy gì có giời biết. Cơ ngơi xây từ chó đã thành đỉnh cao mơ ước của vợ gã và vô khối các bà các cô trong ngõ. Trước, cả ngõ nhà nào cũng giống nhà nào, đều một kiểu mái ngói cửa sổ gỗ lùa được các nhà thầu xây hàng loạt từ trước hòa bình lập lại để cho thuê. Giờ, ông hàng xóm trúng liền mấy lứa chó, đánh đùng một cái ông gọi thợ phá nhà cũ lên luôn nhà ba tầng, chẳng cần giấy phép. Ông truyền đạt kinh nghiệm cho cả ngõ: "Cứ xây! Ðội quy tắc tới bắt đình lại thì xin phạt cho phép tồn tại(2). Cái gì? Biên lai ấy à? Vài trăm thôi. Nhưng vấn đề là thống nhất được với nhau ở quán. Mất vài triệu nhưng được việc. Lấy vợ xem tuổi đàn bà làm nhà xem tuổi đàn ông. Chờ được cái giấy phép xây dựng thì tới mùng thất. Mà cái sự tốn thì còn đến đâu ấy chứ." Chưa ai trong ngõ được dịp áp dụng kinh nghiệm của ông. Thì lại đánh đùng một cái ông và hai thằng con cưỡi Dream. Ðánh đùng cái nữa sớm trưa chiều tối nhà ông vang vang tiếng hát karaoke "hôm nay em buồn như con chó ốm" (3). Ông giáo về hưu sát vách phải nhà ông Hoạch than thở: "Cứ nghe tiếng âm li nhà ông Hoạch lại giật mình. Cứ như nghe lại tiếng loa báo động "đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội ba mươi km" ngày xưa. Không thể nào ngủ được. Cả cái lúc nhà người ta thôi hát đi ngủ. Cứ phập phồng ngửi hít cái im lặng vừa liền lại". Bà hàng xóm sát vách trái nhà ông Hoạch thì cứ trời mưa là chửi đổng. Từ hôm nhà ông Hoạch lên tầng, tường nhà bà bị rạn và mưa ngấm từng vệt loang lổ. Cả ngõ nghe bà chửi với một niềm phấn khích. Ông Hoạch xây nhà, tôn cao mặt đường đoạn trước nhà ông lấy chỗ dựng xe làm cho nước không sao thoát ngay được lúc trờI mưa to. Ði làm về gặp chiều mưa rào, tới đầu ngõ lại phải dắt xe bì bõm trong nước bẩn, ai cũng "cú."
Chẳng ai nhìn thấy những gì diễn ra đằng sau tấm cửa lùa bằng sắt kéo hết mặt tiền nhà ông Hoạch, nhưng hình như ai cũng bị ám bởi ngôi nhà ấy. Mấy bà thấy bọn trẻ phải chạy tóe ra khỏi chỗ chơi đầu ngõ khi xe nhà ông Hoạch phóng vào là ngấm nguýt và bàn nhau họp tổ dân phố kiến nghị cấm xe máy chạy trong ngõ để giữ an toàn cho trẻ. Cũng được mấy ngày. Ðến cái lúc vài ba nhà khác tậu được cái xe sida (4) thì nội quy kia tuy vẫn chềnh ềnh trên bảng treo đầu ngõ song chẳng ai thèm nhớ. Chẳng lẽ lại hì hục đẩy xe từ đầu ngõ tới cuối ngõ? Cấm hát karaoke to cũng không được. Con mấy bà cứ có trăm nào trong túi là tót vào nhà ông Hoạch thuê máy gào. Thằng con gã cũng thèm theo bạn lắm nhưng vợ gã quản rất chặt. Nhưng chính ả cũng như bị ám bởi cái giàu cứ phồng lên từng ngày của nhà hàng xóm.
Một bữa, ngồi bên mâm cơm chiều, vợ gã vừa xớI cơm vừa nói đầy vẻ vô tư: - Nhà ông Hoạch vừa "gãy cầu". Nghe bảo thằng con đi Nga buôn bị hảI quan Nga thu mất mấy ba lô chó. Một bữa khác, mặt ả nở nang: -Con chó đực nhà ông Hoạch người ta trả tới hai sáu cây vàng mà chưa chịu bán "củ" mất rồi. Ðúng là hạn. Ai vào đấy mà bẫy được. Kín cổng cao tường thế cơ mà. Bà ấy bảo năm nay ông ấy bị sao Thái bạch. Cũng là của đi thay người. Rồi một hôm ả buồn xịu: - Em đã hỏi con chó cuối đàn lứa vừa rồi nhà ông Hoạch. Bà ấy nhất mực là phải cây mốt. LạI còn thẽ thọt là hàng xóm với nhau mới có giá ấy. Nhà mình mới có sáu chỉ. Hay anh hỏi thử anh em?! Dĩ nhiên là chả ai có. Mà giá có thì cũng chả ai cho vay. Nếu có đầu tư giúp nhau thì cũng phải chọn mặt biết làm ăn mà góp vốn, mà còn phải chộp cơ hộI phong trào vừa lên. Nuôi cá trê phi. Nuôi vẹt Hồng Công. Nuôi chim cút. Rồi giờ là nuôi chó cảnh. Các phong trào đến rồi đi thoăn thoắt. Ai dại gì rót tiền cho kẻ chỉ biết lạch bạch chạy theo thiên hạ lúc thiên hạ đã ăn đủ.
Bây giờ gã vẫn mừng thầm là dạo đó nhà thiếu tiền. Vì chỉ chừng nửa năm sau là giá chó chững, rồI xuống. Ông hàng xóm nhà ba tầng bán tống bán tháo cả đàn chó đổ đồng một chỉ một con. Ông xoa tay hớn hở: - Mình biết tham thì thâm. Ăn mỏng một tý mới không "cháy cầu". Trước chó phải mua từ Liên xô về bồi dưỡng sấy nhuộm lông thật mốt rồi mới đẩy sang Trung quốc. Giờ thì bọn Tàu nó mua thẳng từ Liên xô rồi. Hữu hảo mà. Bây giờ mớI gọi bán thì trăm ngàn một con cũng không đắt. Chỉ riêng ông trúng. Trong ngõ cũng có mấy nhà tính toán như vợ gã. Xây bao nhiêu mộng thế mà... Rước con chó mấy cây vàng về lo phục dịch còn hơn phục dịch mấy đấng con, chưa được lứa nào thì giá chó xuống đùng đùng. Một nhà sơ ý để chó chạy ra đường lăng nhăng thế nào đẻ một bầy đúng loạI đáng đeo cho củ riềng vào cổ. Và bây giờ thì lũ chó ấy đêm đêm sủa lách nhách ngoài đầu ngõ, nơi cả xóm cứ chập tối lại mang rác ra đổ chờ xe công ty vệ sinh đến hót. Chúng không còn giống những quả bóng bông xinh xẻo, đời sống cao, tự tin và lườI biếng độ nào. Mình chúng dài ra, chân cẳng hình như cũng dài ra, lông chỗ thì bết lại chỗ thì trụi thùi lụi. Chúng nhanh nhảu hơn. Mà cũng nhút nhát hơn.
Một hôm gã đưa vợ con về bên ông bà ngoại. Lúc trở lại nhà, vợ gã sai dừng xe để tạt vào chợ mua rau cỏ. Hai bố con đứng chờ ngoài cổng chợ trong khi vợ gã còn lang thang hàng nọ hàng kia. Có thằng bé đeo cái biển tổ bán báo Xa Mẹ ôm một chồng báo đi ngang, gã gọi mua một tờ rồi dí kính vào đọc. Thằng con đứng nhìn vơ vẩn rồi tự dưng níu tay gã: - Bố trông kìa! Ðúng rồi! Ðúng chị Hạnh rồi. Chị Hạnh ở nuôi chó cho nhà bác Hoạch trước kia kìa. Chị gánh gánh gì có con chó đang chạy theo ấy. Gã nhìn nhưng không thấy. Rất nhiều đàn bà gánh gánh gồng gồng. Rất nhiều đàn bà đẩy những chiếc xe cởi truồng loại không phanh không chuông không gác-đờ-bu, loại xe thồ bán rau bán chuối, đứng trước cổng chợ nhẫn nại mời mọc. Và người thì cứ như nước, lại qua, lại qua.
1995
Chú thích:
1: Cao Bá Quát.
2: Hiện tượng phổ biến ở Việt Nam: đội quy tắc các cấp phường, quận, thành phố đi kiểm tra các công trình xây dựng nhà cửa của dân, thu tiền phạt xong thì cho phép tiếp tục xây cất, gọi là phạt tồn tại.
3: Lời một bài hát phổ thơ Nguyên Sa
4: Xe phế thải của Nhật, được nhập thẳng về Việt Nam hoặc qua Thái lan, Campuchia