Chuyên gia bó tay nhìn "lột áo, choảng nhau"Xung quanh vấn đề bạo lực trong học đường nói riêng, lối sống, cách cư xử của người trẻ hiện nay đang diễn ra như thế nào, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã  hội Việt Nam.

Sau khi VietNamNet có bài viết Nữ sinh lột quần áo, “choảng” nhau đầm đìa máu, đã có hàng trăm ý kiến của độc giả gửi về bày tỏ nỗi buồn, bức xúc với thực trạng học sinh xử nhau theo kiểu côn đồ, thiếu văn hóa “đã có từ lâu” này.  

“Ngày nào cũng có chuyện đánh nhau của tuổi 15-17 trở xuống như thế này thì tôi sốc quá. Không những nam sinh mà nữ sinh càng ngày càng mất đi đức tính công dung ngôn hạnh của mình! Không biết tương lai sẽ đi về đâu?”- Từ Kon Tum, độc giả Phan Hòa chia sẻ.

Xung quanh vấn đề bạo lực trong học đường nói riêng, lối sống, cách cư xử của người trẻ hiện nay đang diễn ra như thế nào, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã  hội Việt Nam.

Bạo lực học đường: chưa đến mức báo động?!

Theo TS Trịnh Hòa Bình: “Việc học sinh đánh nhau thường là hành động bộc phát, theo cảm tính. Đó là khi các em có va chạm, bị đe dọa về quyền lợi dù vô tình hay cố ý.

Chuyên gia bó tay nhìn

Hình ảnh học sinh xử nhau thế này nhan nhản trên Internet

Từ trước tới nay, thời nào chẳng có chuyện học trò xử nhau, đánh nhau. Theo tôi thì mọi người hay thổi phồng, làm cho mọi thứ to tát lên chứ tình hình không đến mức báo động. Tất nhiên hiện nay các em chịu nhiều ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực, hành xử không mấy tốt đẹp của người lớn, nhưng tình hình bạo lực học đường chưa đến mức báo động.

Chỉ có lưu ý là hiện nay, số vụ hành xử kiểu “xã hội đen” như thế của học sinh ngày càng nhiều, vũ khí cũng...đa dạng hơn”.

Giá trị truyền thống: không băng họa mà đang trượt gãy

Không khỏi lo lắng trước thực trạng này, theo TS Trịnh Hòa Bình: “Điều này phản ánh một phần đời sống xã hội của chúng ta hiện nay với nhiều áp lực chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường với vô số những tranh thua, tính toán thiệt hơn.

Việc định hướng giá trị đích thực cho đời sống cộng đồng của chúng ta đang có vấn đề. Rõ ràng, đang có sự đứt gãy về định hướng giá trị cho người trẻ, đặc biệt là các em học sinh.

Để nói đến cái đẹp, chúng ta vẫn thường nói đến cái đẹp chân-thiện-mỹ. Nay, những giá trị ấy đang đứng trước sự đe dọa, lung lay lớn. Ở chỗ này hay nơi khác, cái xấu, cái ác đang lên ngôi, đang thắng thế. Giá trị truyền thống không băng họa mà đang trượt gãy. Những gì được coi là thiêng liêng, cao quý đang bị xói mòn và thách thức ghê ghớm”.

 Ngoài pháp luật, giáo dục quan trọng còn ở việc nêu gương

Cũng theo TS Trịnh Hòa Bình: “Việc đánh nhau của các em sẽ có pháp luật xử lí. Nhưng xã hội chúng ta còn sống bằng sự noi gương, gương mẫu. Thử hỏi, nếu người lớn không gương mẫu, làm ăn không đàng hoàng, giẫm đạp lên chính những chuẩn mực xã hội thì ảnh hưởng tới con cái sẽ lớn như thế nào.

Nếu không được giáo dục, có được một nền tảng văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc tức là cái cội nguồn, gốc rễ của cái đẹp, các bạn rất dễ bị đổ ngã trước những thách thức trong đời sống.

Tất nhiên, gia đình bao giờ cũng lãnh trách nhiệm nặng nề nhất. Gia đình là “đường ray” rèn luyện, ảnh rất nhiều tới tích cách, bản lĩnh của con em mình.

Còn về xã hội (trong đó có nhà trường) phải làm sao phổ quát lối sống lành mạnh đến cộng đồng. Ở đây, xin được đặc biệt nhấn mạnh việc nêu gương của những người đứng đầu tổ chức, cộng đồng”.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC