Tàu Titan chịu áp lực nước khoảng 4.200 tấn/m2 ở độ sâu gần 4.000 m, nên bất cứ sự cố nào với cấu trúc thân vỏ đều khiến tàu bị nghiền nát.

1 Suc Ep Hon 4000 Tan Khien Tau Lan Titan Bi Nghien Nat

Lực lượng Tuần duyên Mỹ chiều 22/6 (rạng sáng 23/6 giờ Hà Nội) xác nhận các mảnh vỡ tìm thấy cách mũi tàu Titanic 488 mét ở độ sâu gần 4.000 mét là của tàu lặn Titan mất tích.

"Những mảnh vỡ cho thấy một vụ ép nát thảm khốc đã xảy ra ở khoang kháng áp", chuẩn đô đốc Tuần duyên Mỹ John Mauger cho hay. Toàn bộ 5 người trong khoang thiệt mạng.

Khoang kháng áp của tàu Titan là cấu trúc đặc biệt hình ống, được làm bằng sợi carbon kết hợp với titanium. OceanGate, đơn vị vận hành tàu Titan, cho hay đây là công nghệ tiên tiến, giúp Titan nhẹ hơn đáng kể so với các loại tàu lặn khác làm bằng thép hoặc titanium đơn thuần.

2 Suc Ep Hon 4000 Tan Khien Tau Lan Titan Bi Nghien Nat

Cấu tạo của tàu Titan. Đồ họa: OceanGate

Trong khoang kháng áp này không có ghế, hành khách phải ngồi bệt trên một sàn phẳng, quan sát mọi thứ bên ngoài qua một ô cửa kính trước mũi hoặc các màn hình kết nối với camera độ phân giải cao xung quanh.

Hiện tượng ép nát là quá trình vật thể bị phá hủy khi chịu áp suất khổng lồ bên ngoài ép vào trong, thay vì hướng ra bên ngoài như trong một vụ nổ.

Theo quảng bá của OceanGate, thiết kế thân vỏ bằng sợi carbon và titanium của tàu lặn Titan cho phép nó chịu được áp suất cực lớn ở độ sâu 3.800 mét, nơi xác tàu Titanic đang yên nghỉ dưới đáy Đại Tây Dương. Ở độ sâu này, áp suất nước biển lớn hơn 400 lần so với áp suất khí quyển, tức gần 6.000 psi.

Với áp suất này, mỗi m2 trên thân tàu Titan chịu sức ép khoảng 4.200 tấn. Để so sánh, lực cắn của loài cá mập trắng lớn là gần 2.800 tấn/m2. Trong điều kiện đó, bất kỳ sự cố hay khiếm khuyết nào ở thân tàu đều có thể khiến cấu trúc tàu bị sụp đổ và lập tức bị ép bẹp thành nhiều mảnh.

3 Suc Ep Hon 4000 Tan Khien Tau Lan Titan Bi Nghien Nat

Khoang kháng áp làm bằng titanium và sợi carbon của tàu Titan. Ảnh: OceanGate

"Nếu khoang kháng áp gặp sự cố, tàu sẽ bị nén lại và giống như một quả bom nhỏ phát nổ. Toàn bộ các hệ thống an toàn có thể bị phá hủy trong quá trình đó", Stefan Williams, giáo sư về robot hàng hải từ Đại học Sydney, cho biết.

Nhiều lo ngại về mức độ an toàn của tàu Titan đã được đưa ra trước đây. Cựu giám đốc phụ trách hoạt động hàng hải OceanGate David Lochridge từng cho biết thiết kế cửa sổ quan sát của tàu chỉ chịu được áp suất cho phép ở độ sâu 1.300 m, trong khi con tàu được dùng để lặn xuống độ sâu gần 4.000 m.

Thời điểm cụ thể tàu Titan gặp nạn chưa được xác định. Lực lượng tìm kiếm đã bố trí các phao thủy âm dưới nước hơn ba ngày ở khu vực này, song không phát hiện bất kỳ tiếng động lớn hoặc dữ dội nào có thể phát ra khi tàu bị ép nát.

Guillermo Sohnlein, một trong những người sáng lập OceanGate, công ty vận hành tàu Titan, cho hay vụ ép nát nhiều khả năng đã xảy ra 4 ngày trước, khi con tàu chuẩn bị đáp xuống đáy đại dương gần xác Titanic.

Theo tiến sĩ Radolaw Kicinski thuộc lực lượng hải quân Ba lan, hiện tượng ép nát xảy ra gần như tức thời, kéo dài chỉ trong một vài phần nghìn giây (vài milisecond), gần tương tự trường hợp của tàu ngầm USS Thresher năm 1961.

Trong vụ tai nạn cách đây hơn 6 thập kỷ, thân vỏ bằng thép của tàu ngầm USS Thresher "vỡ vụn như kẹo bơ cứng" dưới áp suất cực lớn của nước biển. Thảm kịch xảy ra trong 1/20 giây (50 milisecond), quá nhanh để thủy thủ đoàn có thể nhận thức được điều gì đang diễn ra.

"Tôi biết điều này không thể làm vơi nỗi đau từ gia đình các nạn nhân trên tàu lặn Titan, nhưng thực tế là 5 người trên khoang đã tử vong ngay lập tức khi hiện tượng ép nát xảy ra, thậm chí họ không kịp nhận ra có điều gì bất ổn", David Pouge, bình luận viên từ CNN, nói.

Giới chuyên gia cho rằng cần thu hồi các mảnh vỡ dưới đáy biển để tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về những gì đã xảy ra, nhưng điều này không dễ dàng. Các thiết bị lặn không người lái đang tiếp tục thu thập bằng chứng, dấu vết dưới đáy biển để có thêm thông tin về thảm kịch.

4 Suc Ep Hon 4000 Tan Khien Tau Lan Titan Bi Nghien Nat

Tàu lặn Titan mất tích thế nào. Bấm vào hình để xem chi tiết

Đức Trung (Theo Insider, AFP, IOP Science)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC