Tối ngày 13/12, khi chị L. được người yêu chở về nhà, cả hai đi ngang qua ga Hà Nội ở đường Lê Duẩn, định ghé vào quán phở quen thuộc để dùng bữa. Tuy nhiên, vì quán đóng cửa nên cặp đôi đành "tặc lưỡi" vào ăn thử một quán phở nằm đối diện với nhà ga.
Lúc này khoảng 20h, quán chỉ lác đác 2-3 khách ngồi ăn.
Do đã ăn tối nên bạn trai chị L. chỉ gọi một bát phở gà cho bạn gái mình. Ở khu vực phía sau quầy nơi chủ quán đứng bán có một tấm biển menu đề rất rõ giá cả từng món. Cụ thể, giá phở, bún, miến, mỳ gà và bò đều chung mức 35.000 đồng. Nếu khách chọn phở miến trộn sẽ nhỉnh hơn là 40.000 đồng.
Quán phở mà chị L. tới ăn nằm đối diện với ga Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Trước khi ăn, chị L. có hỏi chủ quán giá trứng chần và được báo 5.000 đồng/quả. Thấy vậy chị L. gọi 2 quả. Tuy nhiên, ăn xong, lúc ra thanh toán, chủ quán tự động làm tròn tiền với tổng bát phở và trứng hết 50.000 đồng.
Bạn trai chị L. thấy bất ngờ vì bị làm tròn thêm 5.000 đồng nên hỏi lại chủ quán thì nhận thái độ khó chịu. Vì số tiền rất nhỏ, lại không muốn làm căng, cả hai thanh toán cho xong rồi ra về, nhưng cảm thấy không vui.
"Thực sự số tiền 5.000 đồng rất bé so với giá cả ăn uống hiện nay. Tôi đi ăn uống ở ngoài rất nhiều, sẵn lòng không nhận tiền thừa bị lẻ nếu quán ngỏ ý xin.
Nhưng lần này chúng tôi không hài lòng bởi thái độ không rõ ràng, sòng phẳng của chủ quán. Nếu quán không có tiền lẻ 5.000 đồng trả lại có thể trao đổi lại, chúng tôi sẽ rất vui vẻ và không ý kiến gì", chị L. nói.
Phở gà vốn là món ăn ưa thích của nhiều người (Ảnh minh họa: Toàn Vũ).
Trên thực tế, việc khách gặp phải những tình huống chủ quán ăn không có tiền trả lại, tự động tính tròn tiền như chị L. không phải là chuyện ít gặp.
Trên một diễn đàn về du lịch ẩm thực, nhiều người đã chia sẻ những trải nghiệm của mình.
"Tuần trước, tôi đi ăn phở bò tại một quán ở quận Hoàng Mai. Giá tiền phở hết 35.000 đồng, tiền trà đá 3.000 đồng, nhưng lúc thu tiền, chủ quán lẳng lặng báo hết 40.000 đồng mà không giải thích gì cho khách. Nếu họ nói không có 2.000 đồng trả lại thì khách cũng cho luôn. Đằng này họ im lặng đúng theo kiểu bắt khách phải chấp nhận", anh Bình Nguyễn kể lại.
Hay một tài khoản có tên Ngọc Linh cho biết: "Có lần tôi đi uống cà phê ở một cửa tiệm khá nổi tiếng trên đường Kim Mã. Lúc đặt đồ uống và trả tiền, nhân viên nói không có 3.000 đồng tiền lẻ nên khách thông cảm giúp. Tôi liền nói, nếu chị trả thiếu 1.000 đồng, cửa hàng có chấp nhận không. Thấy vậy, cô nhân viên ngại ngần đi đổi tiền và trả lại khách. Con số vài nghìn đồng rõ ràng không to tát gì, nhưng phải sòng phẳng với nhau", chị Linh nói.
Một số tài khoản khác kể lại tình huống đi mua đồ và siêu thị không có tiền lẻ trả lại, bắt khách phải nhận kẹo. Dù không thích chuyện này, nhưng một số người chấp nhận bỏ qua cho xong.
"Nếu siêu thị làm tròn 200-500 đồng thì chấp nhận được vì giờ chẳng thể tiêu được tiền lẻ như vậy. Nhưng làm tròn vài nghìn đồng, thậm chí có nơi làm tròn cả 4.000-5.000 đồng lại là câu chuyện khác", một tài khoản có tên Minh Dương bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về chuyện nhà hàng, quán ăn làm tròn tiền khi khách thanh toán hóa đơn, ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng "bản chất của sự việc này là việc làm sai".
"Về mặt nguyên tắc, kể cả thừa của khách 1.000 đồng cũng phải trả lại. Theo tôi, lỗi sai này xảy ra từ vài lý do. Một số chủ quán theo thói quen nghĩ một vài nghìn đồng không quan trọng và tự động làm tròn, nhưng lại gây ra sự khó chịu cho khách. Nếu muốn làm tròn, chủ quán cần xin phép khách hàng. Nếu họ đồng ý thì không sao, nếu không, kể cả số lẻ cũng phải trả đủ.
Tiếp theo, tôi cho rằng xảy ra việc này do chủ quán không chuẩn bị kỹ số tiền lẻ nhất định cần chi trả trong một buổi kinh doanh. Chủ quán cần tính toán, tránh trường hợp không đủ tiền trả khách. Về lâu dài, nếu hiện tượng này lặp lại, khách hàng sẽ nảy sinh tâm lý khó chịu, thiếu tin tưởng, không muốn quay lại và quán sẽ mất khách", ông Tùng phân tích.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí