Tại cuộc họp giao ban báo chí Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngày 19-12, ông Nguyễn Đắc Lộc, chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội, nói về vụ Khaisilk với nhiều thông tin lẫn trần tình khá... buồn cười.

 

Ông Lộc cho rằng để xảy ra vụ Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc đội lốt lụa tơ tằm Việt Nam cho khách hàng trong thời gian dài mới bị phát hiện là điều đáng tiếc, là bài học sâu sắc phải rút kinh nghiệm.

Đáng chú ý, cũng theo ông Lộc, trong vụ này, đã kỷ luật hạ bậc khen thưởng một đội phó và một cán bộ kiểm soát viên thuộc đơn vị.

Để xảy ra vụ Khaisilk mà vẫn khen thưởng! - 1

Đơn vị chỉ có 20 người mà theo dõi tới 20.000 điểm kinh doanh. Anh em cố gắng cả năm, để cuối năm xảy ra chuyện và bị như vậy là "rất đáng tiếc" - ông Lộc phân trần.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội nói mà không biết ngượng!

"Rất đáng tiếc" cho những người không hoàn thành nhiệm vụ, vậy quyền lợi của biết bao khách hàng Khaisilk trong hàng chục năm qua thì sao, ai tiếc cho, ai đền cho?

Chuỗi cửa hàng của Khaisilk không chỉ là một điểm kinh doanh nằm ở phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) - nơi phát hiện vụ tráo mác động trời - mà phân bổ khắp nơi ở Hà Nội, toàn những chốn xa xỉ. Cũng vì vẻ ngoài sang trọng giả tạo ấy mà dễ dàng chinh phục khách hàng thượng lưu.

Người ta mua lụa giả làm quà tặng cho đối tác; thậm chí sản phẩm của thương hiệu ấy không ít lần dùng làm quà tặng cho bạn bè quốc tế.

Để xảy ra vụ Khaisilk mà vẫn khen thưởng! - 0

Giờ, đã rõ Khaisilk "100% silk" mà không có chút silk (lụa) nào rồi, thế thì những tổn thất về uy tín, danh dự, thể hiện quốc gia không thể quy đổi thành tiền này ai chịu thay cho?

Khaisilk có chịu không? Quản lý thị trường có chịu không? Chịu thì chịu thế nào?

Mà cái hình thức kỷ luật đối với cán bộ ở Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng chẳng giống ai: Hạ bậc khen thưởng!

Ông Lộc làm ơn chỉ ra giùm có văn bản pháp quy nào hiện nay quy định hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức là "hạ bậc khen thưởng" hay không?

Và như vậy tức là vẫn còn khen thưởng, chỉ khác nhau mức, bậc thôi. Để xảy ra chuyện tày đình thế mà cũng vẫn được khen thưởng thì các vị quả là đùa dai và coi thường dư luận.

Đừng lấy lý do nhân sự ít để đổ thừa cho vụ Khaisilk.

Năng lực đã kém, lại thiếu trách nhiệm thì chớ bao biện. Không phải vô cớ mà nói vậy, ấy là vì sau khi nổ ra vụ Khaisilk, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội báo cáo.

Trong Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường về kết quả kiểm tra cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nêu:

Do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20-10 (ngày Phụ nữ Việt Nam - TG), nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn Khaisilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng (!).

Nói thế thì chỉ có con nít nó nghe.

Đổ thừa cho nhân viên đáng lý ra là việc của ông chủ Khaisilk, đằng này Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lại làm thay như muốn biện minh cho trò lừa "treo đầu dê, bán thịt chó" của ông Hoàng Khải và điều ấy chẳng bao lâu đã bị bóc mẽ khi Bộ Công Thương vào cuộc.

Cụ thể, Bộ kết luận như sau:

Giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk"); trong đó 6 sản phẩm được công bố là "100% silk" nhưng thực tế là "100% polyester"...

Sau kết luận, Bộ Công Thương chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra làm rõ.

Để xảy ra vụ Khaisilk mà vẫn khen thưởng! - 1

Để cho Khaisilk thoải mái diễn trò gian thương trong hàng chục năm dài mà không biết, kể cả khi ông chủ thương hiệu này (Hoàng Khải) thừa nhận trước công luận:

Khaisilk đã nhập 50% là hàng Trung Quốc về bán đã 30 năm nay, cán bộ Quản lý thị trường cũng chẳng lưu tâm, lại còn báo cáo cấp trên theo kiểu "đổ thừa cô đánh máy"!

Vai trò, chức năng của Quản lý thị trường là kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng giả trong thị trường nội địa.

Quyền rất lớn mà làm việc chẳng ra hồn, cứ ngồi chờ khách hàng tố giác hay báo chí phanh phui rồi mới nhúc nhích thì tốt nhất là nên giải tán để nhà nước đỡ tốn tiền nuôi cơm.

 

 Giàng Y Qua - Báo Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC