"Những trận đòn của mẹ không thể ngăn tôi tiếp tục tìm đến với các không gian và thế giới xa cách khỏi nơi nhà tôi: ở ruộng đồng, sông núi, triền đê... Tôi luôn chán ghét việc ngồi học để thi và lấy điểm cao."

 

Học để sướng chứ không phải để thi - 0

Hiện nay, nhiều phụ huynh thường nhồi nhét và ép con em mình học để lấy điểm cao và thành tích mà không thực sự quan tâm tới việc trẻ có thực sự thấy thích thú, đam mê với việc học hay không?

Trong khi đó, trẻ con ngoài việc học cũng cần được tìm hiểu, khám phá nhiều điều bổ ích khác mà sách vở không có.

Nhiều cha mẹ không biết rằng chỉ vì muốn con thành công mà đứa trẻ suốt ngày phải ôm lấy bài vở, mệt mỏi trong áp lực của các kỳ thi và điểm số.

Những đứa trẻ ấy chắc hẳn sẽ bỏ qua nhiều điều thú vị và đáng nhớ của tuổi thơ.

Xuất phát từ thực tế ấy, thầy Nguyễn Tuấn Hải đã có những chia sẻ về những kỉ niệm về quá trình học tập và trưởng thành của mình cũng như cách mà anh đã và đang nuôi dạy các con anh.

Điều đó chắc hẳn sẽ giúp không ít bậc phụ huynh phải thay đổi cách dạy con của mình.

"Tôi là một cậu bé ham chơi từ khi còn rất nhỏ: 4 tuổi. Tôi không bao giờ chịu ngồi trong nhà hay quanh quẩn ngoài ngõ. Thế giới của tôi là những con đường dẫn đến các khu vực xa nhà, càng xa càng thích miễn là tôi có thể nhớ đường về và về được nhà trước khi... trời tối.

Tôi đã phải ăn không biết bao trận đòn của mẹ và hứa suông không biết bao lần khi mẹ tôi đi tìm tôi, gọi tôi hoài trong khu xí nghiệp nhà tôi ở mà không thấy. Mẹ lo và tưởng tôi chết dẫm ở nơi nào đấy rồi.

Nhưng những trận đòn của mẹ không thể ngăn tôi tiếp tục tìm đến với các không gian và thế giới xa cách khỏi nơi nhà tôi: ở ruộng đồng, sông núi, triền đê...

Tôi luôn chán ghét việc ngồi học để thi và lấy điểm cao.

Mãi tới tận bây giờ.

Xét từ các phương diện và tiêu chí đánh giá ở trường phổ thông và đại học (chỉ là cấp 4 phổ thông) ở Việt Nam, tôi là một đứa trẻ không vừa khuôn đúc sẵn. Tôi chỉ học cái mình ham thích và học sâu để hiểu kỹ chỉ vì mục đích khám phá tự thân.

Được bao nhiêu điểm tôi không quan tâm. Chỉ cần đủ điểm để lên lớp và chuyển cấp. Giống như cách mà Jack Ma học vậy.

Rất nhiều thứ tôi khá giỏi là học được từ ngoài cuộc sống, sách vở ngoài các các cuốn sách trên lớp và ngoài cách dạy buồn chán ở trong trường học.

Các bằng cấp chứng chỉ từ trường học của Việt Nam của tôi đều không qua nổi loại "Trung Bình Khá".

Tôi gặp vô vàn khó khăn trong quá trình xin việc ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học.

Tôi lại tiếp tục đi dạy Anh Ngữ và Toán tiếng Anh một cách độc lập và xin vào Princeton.

Nhưng rồi tôi cứ mê đắm giáo dục và theo nó suốt. Trải nghiệm, đọc và tự học một lần nữa giúp tôi có các kiến thức vững vàng và kiến giải sâu về lĩnh vực mình theo đuổi.

Có con, tôi hiểu ngay mình cần phải làm gì. Phải để nó được làm chính nó cho dù nó có thể sẽ phải đi một con đường gập ghềnh chông gai giống tôi.

Tôi để chúng học theo sở thích và ham mê của chúng. Tôi dạy cho chúng cách tự học và tự truy tầm kiến thức qua đọc sách, qua làm một cái gì đó và bằng cách đi để khám phá thế giới qua quan sát và phải hình thành được quan điểm riêng.

Việc học ở trường và trên lớp của chúng, tôi coi nhẹ ngay cả khi kết quả thi cử không cao. Và đúng vậy, cậu bé con đầu nhà tôi luôn không có thành tích thi cử cao. Con không hợp với các kiểu thi cử của Việt Nam.

Là một cậu bé có thể tư duy Anh Ngữ và sử dụng Anh Ngữ như người bản xứ (nghe tự nhiên, đọc nhanh, viết thoải mái và nói có ngữ điệu) nhưng con chả mấy khi thành công ở mấy kỳ thi như IOE chẳng hạn.

Con không học giỏi Toán kiểu Việt Nam trong giải bài tập nhưng con rất yêu khoa học khi còn nhỏ. Tới giờ con vẫn ham thích khoa học và say mê tìm hiểu.

Tôi thấy được bóng dáng mình trong đứa con nhỏ của mình. Tôi biết là con học để được hiểu biết và khám phá. Để định hình nên cho mình các thiên hướng và xây dựng ước mơ.

Và ngày tôi mong chờ từ một người đàn ông trong cậu bé con tôi đã đến khi con hỏi và trao đổi với ba các vấn đề về chính trị và lịch sử của nhân loại. Có những điều con nói đã chạm vô được những thứ gọi là triết học, văn chương và tâm lý học. Tất nhiên là từ góc nhìn của trẻ con ở tuổi của con.

Những thứ đó, với tôi quan trọng lắm. Nó giống như việc đang học làm một con người vậy.

Chứ không phải làm một chiếc máy hay con robot giải bài suốt ngày ở các lớp học thêm.

Tôi có là lạ không khi không ước mong con mình thành công?"

Thu Trang




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC