* Hỏi: Tôi có một người chú cướp thuyền vượt biển năm 1982 nhưng không thành, ghe đã bị bắt lại nhưng chú tôi chạy thoát, và chú đi chuyến sau thì được định cư tại Đức. Từ đó chú tôi sống và làm ăn bình thường với tư cách là một công dân có quốc tịch Đức, không quan tâm đến chuyện bên ngoài...

 

Sau này, chú đã về Việt Nam 6 lần. Nay chú tôi đã 60 tuổi và muốn về lâu dài – khoảng 3 tháng.

Nhưng vì ông chú dượng (lấy bà cô em chú) ở trong nước gọi điện thoại qua Đức và nói rằng nếu lần này về thì ông ấy sẽ tố (báo) để chú tôi ở tù và sẽ đánh chú tôi làm ông chú tôi rất lo, không lẽ đời chú không được về Việt Nam nữa…

Xin hỏi: 

Theo luật pháp, nếu chú tôi về Việt Nam có phải bị đi tù không?

Nếu bị đánh hay hành hung thì phải làm sao?

* Trả lời: 

1. Về vấn đề chú bạn về Việt Nam có bị bắt hay không:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS năm 1999) thì “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 23 BLHS năm 1999 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể như sau: 

+ Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; 

+ Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng;

+ Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng; 

+ Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, người phạm tội lại phạm tội mới mà Bộ luật quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới (khoản 3 Điều 23 BLHS năm 1999).

Tại khoản 4 Điều 23 BLHS năm 1999 cũng quy định: Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.

Như vậy, chú bạn thực hiện hành vi cướp thuyền vượt biển từ năm 1982, tính đến nay đã hơn 30 năm, nghĩa là thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên chú bạn sẽ không bị bắt.

Tuy nhiên, nếu hành vi cướp thuyền của chú bạn đã có lệnh truy nã thì theo quy định tại khoản 4 Điều 23 BLHS năm 1999 nêu trên, chú bạn vẫn có thể bị bắt bởi sự việc cướp thuyền của chú bạn dù đã xảy ra cách xa bao nhiêu năm mà “người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã” thì “thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ”.

2. Về vấn đề chú bạn lo sợ bị người khác đánh, hành hung:

Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Đồng thời, khoản 1 Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định về quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể như sau: “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể”.

Như vậy, việc bất khả xâm phạm về thân thể của mọi người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Do đó, nếu chú bạn trở về Việt Nam mà bị người khác đánh, hành hung thì người gây ra hành vi đó đã vi phạm pháp luật. Khi đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đánh chú bạn có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…

Công ty Luật TNHH Bảo Chính 
Phòng 308, Tòa nhà số 8 Láng Hạ, 
phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC