Thủ tục đăng ký giám hộ của Kiều bào tại Việt NamHỏi: Tôi là người Việt Nam đã nhập tịch nước ngoài, tôi muốn trở thành người giám hộ của cháu trai tôi (5 tuổi) do bố mẹ nó đều đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.

Xin hỏi, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc giám hộ? Trình tự, thủ tục đăng ký việc giám hộ ở Việt Nam được thực hiện như thế nào?

(Anh Quân )

Trả lời:

Theo Điều 58 Bộ luật Dân sự 2005 thì giám hộ chính là việc cá nhân, tổ chức (Người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (Người được giám hộ).

Cũng theo quy định tại điều này thì giám hộ trong những trường hợp sau: (i) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu; hoặc (ii) Người mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, với các quy định trên thì nếu bố mẹ của cháu bạn đều đã chết thì bạn sẽ được những người thân còn lại cử bạn để trở thành người giám hộ của cháu.

Theo đó, để được cử làm người giám hộ thì bạn phải nộp Giấy cử giám hộ và một số văn bản kèm theo liên quan đến việc đăng ký giám hộ cho Sở Tư pháp tỉnh/thành nơi người được giám hộ cư trú. Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ, thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Sở Tư pháp đăng ký việc giám hộ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

Khi đăng ký việc giám hộ, người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ phải có mặt. Việc đăng ký giám hộ được ghi vào Sổ đăng ký giám hộ và Quyết định công nhận việc giám hộ. Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho người giám hộ và người cử giám hộ mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ. Bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ được cấp theo yêu cầu của người giám hộ và người cử giám hộ.

Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 3 bản, một bản lưu tại Sở Tư pháp, nơi đăng ký việc giám hộ, một bản giao cho người giám hộ, một bản giao cho người cử giám hộ. Sau khi đăng ký giám hộ, Sở Tư pháp gửi cho Ủy ban Nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người giám hộ bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ để giám sát việc giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005.

Luật sư Phạm Công Hải

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC