Thừa kế cổ phần của Kiều bàoHỏi: Bố tôi là cổ đông sáng lập nắm giữ 20% cổ phần phổ thông của công ty cổ phần A tại Việt Nam, thành lập năm 2008.

Đầu năm 2009 bố tôi mất mà không để lại di chúc thì số cổ phần của bố tôi tại Công ty A được giải quyết như thế nào? Pháp luật Việt Nam có quy định như thế nào về việc thừa kế cổ phần này?

(Hoàng Anh - Đức)

Trả lời:

Cổ phần được coi là di sản thừa kế do cổ đông để lại. Trường hợp cổ đông của công ty cổ phần chết mà không để lại di chúc thì số cổ phần này sẽ được để thừa kế cho các hàng thừa kế của cổ đông theo quy định của pháp luật thừa kế.

Luật Doanh nghiệp 2005 chỉ quy định về thừa kế trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên mà không có quy định cụ thể về việc thừa kế trong công ty cổ phần. Do đó, việc thừa kế cổ phiếu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và quy định tại Điều lệ Công ty.

Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông sẽ được để lại cho những hàng thừa kế sau:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong trường hợp bố bạn qua đời thì số cổ phần thuộc sở hữu của cổ đông trong công ty cổ phần sẽ được chia cho đều cho hàng thừa kế thứ nhất của bố bao gồm: vợ; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Trường hợp cổ đông không có hàng thừa kế thứ nhất thì số cổ phần này của cổ đông được chia cho các hàng thừa kế tiếp theo.

Khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”

Như vậy, những người thừa kế của bố bạn nếu muốn trở thành cổ đông sáng lập của công ty phải thực hiện thủ tục thông báo với công ty về việc hưởng thừa kế và trở thành cổ đông sáng lập; công ty sẽ thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh do thay đổi thành viên sáng lập. Trường hợp người được hưởng thừa kế không muốn trở thành cổ đông sáng lập của công ty thì có thể chuyển nhượng số cổ phần trên cho các cổ đông sáng lập khác trong công ty hoặc cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu Đại hội đồng cổ đông Công ty A chấp thuận.

Luật sư Phạm Công Hải - Cộng tác viên báo điện tử Tintucvietduc.de

 

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC