Thắc mắc về việc nhận thừa kế từ NVNONNHỏi: Tôi tên Lê Thị Thu Linh. Tôi có người cha tên Lê Văn Ra. Cha tôi có một người chị ruột ở bên Đức. Chị ruột của cha tôi mất đi để lại số tài sản 2 tỷ euro cho cha tôi là người thừa hưởng số tài sản đó...

Nhưng cha tôi đã đổi tên mới là Lê Tiến Vương. Phía luật sư bên Đức không chấp nhận tên mới của cha tôi, nhưng cha tôi đã gửi giấy khai sinh có tên Lê Văn Ra cho người luật sư đó và đang tiến hành thủ tục.

Không may cha tôi mất đột ngột cách đây mấy ngày chưa để lại di chúc về số tài sản đó. Tôi hiện nay có 5 anh chị em ruột khác và đang thắc mắc không biết giải quyết như thế nào? Chúng tôi là con ruột có được thừa hưởng số tài sản đó từ phía chị ruột của cha tôi không? Nếu có chúng tôi sẽ phải làm gì? Mong cho tôi ý kiến để tôi có thể giải quyết.

Trả lời:

Câu hỏi bạn đưa ra sẽ phát sinh một số trường hợp sau:

Trường hợp 1: Bác và bố của bạn mang quốc tịch Đức:

Nếu bác và bố của bạn mang quốc tịch Đức thì việc phân chia di sản thừa kế sẽ căn cứ theo pháp luật của Đức. Trong trường hợp này, luật liên quan đến thừa kế di sản của Đức sẽ quy định bạn và những người anh, chị, em ruột của bạn có được hưởng di sản thừa kế hay không.

Trường hợp 2: Bác và bố của bạn mang quốc tịch Việt Nam:

Theo quy định tại Điều 631 của Bộ Luật Dân sự Nước CHXHCN Việt Nam hiện hành (sau đây viết tắt là “BLDS 2005”), bác của bạn có quyền lập di chúc và để lại di sản của mình cho người thừa kế là bố của bạn.

Bạn hoặc các anh, chị, em của bạn phải chứng minh việc đổi tên của bố bạn cho Luật sư của Đức thực hiện thủ tục nhận tài sản thừa kế (xin xem phần lưu ý dưới đây). Sau khi thủ tục khai nhận di sản thừa kế của bố bạn hoàn tất, bạn và anh, chị, em của bạn sẽ được hưởng phần tài sản do bố bạn để lại thông qua việc thừa kế của bác bạn (điểm a, khoản 1, Điều 676 BLDS 2005). Nếu di sản bác bạn để lại là bất động sản thì quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của Đức (khoản 2, Điều 767 BLDS 2005).

Trường hợp 3: Bác của bạn mang quốc tịch Đức và bố của bạn mang quốc tịch Việt Nam:

Trong trường hợp này, việc lập di chúc để lại di sản thừa kế của bác bạn cho bố bạn phải tuân thủ pháp luật của Đức (Điều 768 BLDS 2005).

Nếu di chúc của bác bạn được luật pháp của Đức công nhận, bố bạn được hưởng phần di sản này. Khi bố bạn mất thì bạn và các anh, chị, em của bạn được hưởng di sản phần di sản do bố để lại (điểm a, khoản 1, Điều 676 BLDS 2005).

Trường hợp 4: Bác của bạn mang quốc tịch Việt Nam và bố của bạn mang quốc tịch Đức:

Trong trường hợp này, bố bạn sẽ được hưởng phần di sản của người chị để lại theo di chúc (Điều 768 BLDS 2005) hoặc theo pháp luật (khoản 1 Điều 767 BLDS 2005). Tuy nhiên, bạn và các anh, chị, em của bạn có được hưởng phần di sản của bố trong trường hợp này hay không còn phụ thuộc vào pháp luật của Đức (khoản 1 Điều 767 BLDS 2005).

Nếu vì một lý do nào đó bố của bạn không được công nhận là người thừa kế hợp pháp di sản của bác bạn thì bạn và các anh, chị, em của bạn có thể được hưởng di sản của bác bạn để lại do bác bạn không còn hàng thừa kế thứ nhất (gồm: chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi) và hàng thừa kế thứ hai (gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột) (điểm b, khoản 1 và khoản 2, 3 Điều 676 BLDS 2005).

Lưu ý: Thủ tục thay đổi họ, tên trong giấy khai sinh được coi là hợp pháp:

Nếu bố bạn mang quốc tịch Việt Nam:

Việc thay đổi họ, tên trong giấy khai sinh của bố bạn phải căn cứ trong các trường hợp sau (Điều 27 PLDS):

-    Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

-    Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

-    Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

-    Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

-    Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

-    Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính.

Nếu bố bạn mang quốc tịch Đức:

Trong trường hợp, bố bạn mang quốc tịch Đức, việc đổi tên của bố bạn được coi là hợp pháp khi tuân thủ các quy định liên quan của Đức.

 

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC