Từ ngày 1-7-2021, Luật Cư trú chính thức có hiệu lực, việc quản lý cư trú của công dân sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; sang quản lý bằng số hóa, thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.
Từ 1/7 người dân có thể ngồi nhà đăng ký hộ khẩu, cư trú qua mạng, nhận thông báo qua tin nhắn
Người dân có thể ngồi nhà đăng ký hộ khẩu, cư trú qua mạng
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư 55/2021 hướng dẫn Luật Cư trú, theo đó so với quy định hiện hành áp dụng từ 7 năm trước, thì Thông tư mới có nhiều thay đổi quan trọng, trong đó ở việc tiếp nhận hồ sơ và thông báo về kết quả đăng ký cư trú qua mạng, thay vì trực tiếp.
Nếu như ở Thông tư số 35/2014, việc nộp hồ sơ đăng ký thường trú, đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.
Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Cũng theo quy định cũ thì người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Nhưng Thông tư 55 mới, ngoài việc tiếp nhận đăng ký cư trú trực tiếp như hiện hành, thì đã bổ sung hình thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú từ cổng dịch vụ công.
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì người yêu cầu đăng ký cư trú có thể nộp bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao được cấp từ sổ gốc (sau đây gọi là bản sao) hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ để đối chiếu.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký cư trú nộp bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ thì người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký xác nhận, không được yêu cầu nộp bản sao giấy tờ đó.
Trường hợp thực hiện đăng ký cư trú qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú thì người yêu cầu đăng ký cư trú khai báo thông tin và đính kèm bản quét hoặc bản chụp các văn bản, giấy tờ cần thiết theo quy định.
Người dân nộp theo hình thức này sẽ vào Cổng dịch vụ công Quốc gia lựa chọn đầu mục, nội dung cần làm rồi đăng ký, hoàn tất thủ tục theo mẫu sẵn. Khi tiếp nhận hồ sơ theo hình thức này, cảnh sát phụ trách sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin, tài liệu mà công dân đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công với các quy định của pháp luật về cư trú.
Với trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, thủ tục, cán bộ sẽ thực hiện tiếp nhận và lập phiếu hẹn trả kết quả đăng ký cư trú, đồng thời thông báo cho công dân bằng hình thức văn bản, tin nhắn điện tử.
Trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc biểu mẫu, giấy tờ chưa đúng, chưa đầy đủ, cán bộ tiếp nhận lập phiếu hướng dẫn và thông báo cho công dân.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, thủ tục, cán bộ tiếp nhận lập phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết đăng ký cư trú và gửi tin nhắn thông báo trong đó nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Nhận thông báo kết quả đăng ký cư trú qua tin nhắn
Cũng từ 1/7, ngoài phương thức cũ, việc thông báo về kết quả đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin về cư trú, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng sẽ được thực hiện dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử đến hộp thư điện tử hoặc điện thoại, trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, ứng dụng trên thiết bị điện tử, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.
Để hoàn thiện được cách thức tiếp nhận hồ sơ, xử lý và hoàn thiện thủ tục trên mạng, Bộ Công an đưa ra giải pháp chữ ký số.
Cụ thể, cá nhân, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú sẽ sử dụng thiết bị USB Token (được mã hoá thông tin, cá nhân, hình ảnh chữ ký số, hình ảnh con dấu trên các văn bản điện tử qua tính năng ký số...) được tích hợp sẵn trong phần mềm quản lý cư trú để hoàn thiện hồ sơ.
hanoimoi.com.vn