Giải đáp về quốc tịch và một số vấn đề liên quanHỏi: Tôi là người Việt Nam, lấy chồng người Việt Nam (chồng tôi sinh ở VN, hiện đang mang quốc tịch Đức) và đang sống ở Đức. Tôi vẫn chưa nhập quốc tịch Đức. Theo tôi biết, kể từ ngày 1/7/2009, người VN có quyền mang hai quốc tịch...

Vậy xin hỏi:

Ø       Nếu tôi nhập quốc tịch Đức, nhưng tôi làm đơn xin giữ lại quốc tịch Việt Nam, có nghĩa là tôi vẫn có quốc tịch Việt Nam?

Ø       Như vậy sau này khi tôi trở về VN sinh sống, tôi có được quyền như mọi công dân VN không?

Ø       Tôi có thể được mua nhà, hay mua đất mà không bị giới hạn không? Hay chỉ được mua một căn nhà duy nhất để ở? Mọi thủ tục giấy tờ phải tuân theo Nhà nước VN hay Nhà nước Đức?

Ø       Chúng tôi có một con gái 6 tuổi (cháu sinh ở Đức), con tôi có thể vào trường học VN như những học sinh khác ở VN không? Những chi phí trong năm học có giống như những học sinh VN khác hay thế nào?

Trả lời:

1. Tùy từng trường hợp, công dân Việt Nam có thể có hai quốc tịch:

Theo quy định tại Điều 12 của Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 13/11/2008 (sau đây viết tắt là “Luật Quốc tịch”) thì vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế. Theo đó, Chính phủ ký kết hoặc đề xuất việc ký kết, quyết định gia nhập điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài.

Như vậy, theo quy định trên bạn có thể vẫn mang quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch Đức.

2. Quyền và nghĩa vụ của người có quốc tịch Việt Nam:

Trong trường hợp, bạn mang quốc tịch Việt Nam và trở về Việt Nam sinh sống thì sẽ được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam được quy định cụ thể từ Điều 49 đến Điều 80 của Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 25/12/2001 (sau đây viết tắt là “Hiến pháp”).

3. Sở hữu bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

Theo Luật Nhà ở và Luật Đất đai của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam được sửa đổi, bổ sung Điều 126 (Luật Nhà ở) và Điều 121 (Luật Đất đai) bởi Luật số 34/2009/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 18/06/2009, nếu bạn có quốc tịch Việt Nam thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam, không bị giới hạn về số lượng nhà sở hữu.

Cũng theo quy định của pháp luật nêu trên, bạn có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

-    Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

-    Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;

-    Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;

-    Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;

-    Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;

-    Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai;

-    Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở  tại Việt Nam để ở;

-    Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;

-    Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam;

-    Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Trong trường hợp, bạn mua nhà ở hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền quyền sở hữu nhà ở thì thủ tục mua và nhận chuyển nhượng phải tuân theo pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này.

4. Việc học tập của người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam:

Khoản 2 Điều 16 của Luật Quốc tịch quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”.

Theo quy định trên, nếu con bạn có quốc tịch Việt Nam thì sẽ được hưởng các quyền cơ bản của công dân Việt Nam được quy định tại Hiến pháp, trong đó có quyền về học tập.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC