Lý do chính khiến người dân Đông Nam Á muốn học tiếng Đức dường như là vì cơ hội việc làm.

Tiếng Đức ngày càng được quan tâm trên khắp Đông Nam Á, trong bối cảnh chính phủ Đức tăng nhu cầu với lao động lành nghề trong khu vực để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của nước này.

1 Nguoi Dan Dong Nam A Ngay Cang Chuong Hoc Tieng Duc

Foto: Ảnh minh họa. Nguồn: daad.it

Viện phó Viện Goethe tại Thành phố Hồ Chí Minh Arik Jahn chia sẻ với kênh DW (Đức) rằng đam mê học tiếng Đức đã tăng vọt ở Việt Nam. Số lượng người dự thi tiếng Đức tại Viện Goethe Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 150% kể từ năm 2019 và có thể sớm tăng gấp ba lần.

Đức đang rơi vào tình cảnh thiếu hụt lao động và cần thêm khoảng 150.000 y tá. Theo kế hoạch mới, Đức thúc đẩy tuyển dụng nhiều hơn từ Việt Nam, Indonesia và Philippines. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ước tính có khoảng 14.000 người ở Việt Nam đang học tiếng Đức, ở Malaysia là 15.000 người và Thái Lan là hơn 17.000 người.

Người phát ngôn này xác nhận với DW: “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Đức ở nước ngoài từ lâu đã là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Berlin về lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Bằng cách thúc đẩy việc học tiếng Đức, sinh viên ngôn ngữ sẽ hiểu biết hơn về nước Đức, con người và văn hóa nước này. Nhưng chúng tôi cũng mang đến cơ hội tiếp cận nền kinh tế lớn nhất châu Âu với các trường đại học xuất sắc và mạng lưới khoa học, học thuật tiên tiến”.

Tháng 8/2023, Bộ Giáo dục Singapore đã thí điểm chương trình cho 120 học sinh từ 21 trường trung học cơ sở học tiếng Pháp hoặc tiếng Đức như ngôn ngữ thứ ba. Hơn 1.500 học sinh đăng ký tham gia thí điểm chương trình này. Bộ Giáo dục Singapore cho biết họ sẽ tăng số lượng trong đợt tuyển sinh năm 2024.

Động lực chính

Ông Arik Jahn thuộc Viện Goethe Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sự gia tăng quan tâm này được thúc đẩy bởi Đạo luật nhập cư mới dành cho người lao động có tay nghề của Đức”. Đức thông qua đạo luật này vào tháng 11/2023 với nội dung hạ các rào cản gia nhập đối với người lao động có tay nghề từ bên ngoài EU. Những thay đổi này loại bỏ hoặc giảm yêu cầu về tiếng Đức mặc dù những người muốn thị thực ở trong thời gian dài vẫn cần chứng chỉ nâng cao về tiếng Đức.

Bộ trưởng Lao động Đức Hubertus Heil vào đầu năm 2023 cho biết rằng đến năm 2035, nước này sẽ thiếu khoảng 7 triệu lao động nếu không hành động để tăng tỷ lệ di cư. Ông Jahn nhận định: “Mọi người thấy rằng cơ hội tham gia thị trường lao động Đức của họ cao hơn bao giờ hết và việc có kiến thức tốt về tiếng Đức là chìa khóa cho triển vọng dài hạn ở đất nước này”.

Ngoài ra, nước Áo vốn sử dụng tiếng Đức cũng đang cần tuyển dụng rất nhiều y tá và điều dưỡng khác từ châu Á, đặc biệt là Philippines. Trong một kế hoạch do chính phủ tài trợ, những y tá người Philippines sẽ được Áo trả tiền để học tiếng Đức khi họ đến nước này, với kỳ vọng họ sẽ làm việc ở đó trong vài năm.

Một bài nghiên cứu của hai tác giả Matthias Huber và Silke Uebelmesser xuất bản vào tháng 10/2023 đã nghiên cứu hoạt động của các viện dạy tiếng Đức trên 69 quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 2014, nhận thấy có mối tương quan tích cực giữa số lượng Viện Goethe ở một quốc gia và tình trạng di cư từ quốc gia đó tới Đức. Nói cách khác, người dân ở quốc gia khác càng được tiếp cận nhiều với giáo dục tiếng Đức thì họ càng có khả năng đến Đức để làm việc.

Nhưng việc làm không phải là mối quan tâm duy nhất. Ông Rudi Herrmann, thuộc Hiệp hội Malaysia-Đức, có trụ sở tại Penang (Malaysia) cho biết: “Phần lớn sinh viên quan tâm đến việc được học tập tại các trường đại học Đức”. Ông Herrmann bổ sung rằng một số người khác quan tâm đến việc tham gia Ausbildung, hay đào tạo nghề, chương trình cho phép sinh viên từ các quốc gia ngoài EU được làm việc và đào tạo tại các công ty Đức với tư cách là thực tập sinh. Không những vậy, một số sinh viên muốn học ngôn ngữ khác vì sở thích cá nhân.

Vào tháng 9/2023, Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) đã báo cáo rằng hơn 370.000 sinh viên trao đổi quốc tế đã theo học tại các trường đại học Đức trong học kỳ mùa Đông vừa qua, kỷ lục mới đối với quốc gia này và đưa Đức đứng thứ ba trong bảng xếp hạng toàn cầu.

Điều quan trọng là một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy Đức và Canada là những quốc gia giữ chân sinh viên quốc tế tốt nhất sau khi kết thúc chương trình học, với hơn 60% sinh viên nhận được thị thực du học vào năm 2015 vẫn còn ở Đức vào năm 2020.

Ông Jahn nhận định cách người dân Đông Nam Á học tiếng Đức đang thay đổi. Theo ông, trước đây họ hầu như chỉ học tiếng Đức để có được chứng chỉ ngôn ngữ cơ bản cần thiết nhằm xin thị thực làm việc. Nhưng nay ngày càng có nhiều người nhận ra rằng trình độ ngôn ngữ của họ càng cao thì cơ hội không chỉ dừng ở việc đến Đức mà còn là thành công ở Đức.

Theo ông, trong tương lai, sinh viên Đông Nam Á sẽ không học để lấy chứng chỉ tiếng Đức mà họ sẽ học để đạt được trình độ tiếng Đức cao nhất có thể trước khi khởi hành.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC