Ngoại trưởng Anh nêu điều kiện để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên các cá nhân và công ty Nga sau hơn một tháng Moscow triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.

1 Anh Neu Dieu Kien Xoa Bo Cam Van Nga

Tòa nhà ở Kiev, Ukraine bị phá hủy sau trận pháo kích (Ảnh: Reuters).

"Những gì chúng tôi biết là Nga đã ký nhiều thỏa thuận nhưng họ lại không tuân thủ. Vì vậy, cần phải có đòn bẩy cứng rắn, bao gồm các lệnh trừng phạt", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói trong cuộc phỏng vấn với Telegraph hôm 26/3.

"Các biện pháp trừng phạt đó chỉ được gỡ bỏ nếu (Nga) có lệnh ngừng bắn và rút quân hoàn toàn, đồng thời đưa ra cam kết rằng sẽ không có bất kỳ hành động quân sự nào nữa. Tuy nhiên, vẫn có khả năng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả nếu có hành động gây hấn trong tương lai", Ngoại trưởng Truss nói thêm.

Anh và các quốc gia phương Tây khác đang sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm gây sức ép buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chính phủ Anh cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt các ngân hàng với tổng giá trị tài sản lên tới hơn 658 tỷ USD, cũng như các tỷ phú Nga và các thành viên trong gia đình họ.

Ngoại trưởng Anh cho rằng khủng hoảng Ukraine đã khiến Anh và Liên minh châu Âu (EU) xích lại gần nhau sau khi mối quan hệ này trở nên căng thẳng do tiến trình Anh rời EU (Brexit).

"Anh đang phối hợp rất chặt chẽ với EU", Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh.

Anh hôm 25/3 đã bổ sung lệnh cấm giao dịch vàng Nga vào danh sách các biện pháp trừng phạt được London áp đặt lên Moscow vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Động thái của Anh diễn ra sau khi có những quan ngại rằng, Nga có thể sử dụng vàng dự trữ để lách lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo cấm các giao dịch vàng với Nga, nhằm vào kho dự trữ khoảng 2.300 tấn trị giá hơn 130 tỷ USD của Moscow. Tuy nhiên các lệnh hạn chế này chỉ tác động tới việc giao dịch vàng Nga tại các thị trường ở Anh và Mỹ, và không thể ngăn Moscow bán vàng cho các nước hoặc sàn giao dịch khác.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ 24/2, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; bãi bỏ quy chế "tối huệ quốc"…

Mỹ và Anh đã ban hành lệnh cấm nhập nhiên liệu của Nga. Tuy nhiên, EU lại chia rẽ về vấn đề này vì sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ phía Nga và việc cấm dầu khí của Nga có thể sẽ khiến giá nhiên liệu tiếp tục tăng phi mã.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phương Tây đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga và "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định nền kinh tế Nga sẽ không bao giờ sụp đổ vì các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông khẳng định Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Theo Reuters

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC