Một năm trước, việc Nga triển khai 30 máy bay không người lái (UAV) tấn công Ukraine trong một đêm là điều hiếm thấy. Giờ đây, Nga đang dùng hàng trăm UAV trong một đợt tấn công để áp đảo hệ thống phòng không đối phương.
Ngày 25/5, Moskva phát động một chiến dịch tập kích lớn vào các cơ sở công nghiệp quân sự Ukraine bằng 298 UAV, mức cao chưa từng thấy từ đầu xung đột. Nga cũng sử dụng nhiều tên lửa hơn, với 69 quả các loại được khai hỏa trong đòn tập kích đêm đó.
Các vụ nổ do máy bay không người lái (UAV) gây ra ở thủ đô Kiev, Ukraine, hôm 24/5. Ảnh: Reuters
Chiến thuật "dội mưa lửa" của Nga đang một lần nữa đẩy Ukraine vào tình thế vô cùng khó khăn. Nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn hiện tại thất bại, Nga nhiều khả năng sẽ tăng cường tập kích trong thời gian dài, trong khi các đơn vị phòng không Ukraine sẽ phải chắt chiu đạn dược khi nguồn viện trợ từ phương Tây ngày càng hạn chế.
Khi đó, các tên lửa và UAV Nga hoàn toàn có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ, đánh vào các thị trấn, thành phố và những ngành công nghiệp trọng yếu của Ukraine.
Các chiến dịch tập kích của Nga được tăng cường từ đầu năm, với những thay đổi rõ rệt về khí tài và chiến thuật. Tên lửa đạn đạo, vốn rất khó đánh chặn, hiện là vũ khí chính trong các cuộc không kích, bên cạnh những thế hệ UAV tấn công mới, nguy hiểm hơn, với các tính năng ẩn mình hiện đại hơn.
Theo giới chuyên gia, tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga rất khó đánh chặn vì tốc độ cao và hiện chỉ số ít tên lửa Patriot PAC-3 còn lại của Ukraine mới có cơ hội bắn hạ chúng.
Video công bố gần đây cho thấy các trận địa nghi là Patriot Ukraine khai hỏa 17 quả đạn trong một phút rưỡi, dường như nhằm chặn tên lửa Iskander-M, nhưng một quả tên lửa đạn đạo vẫn đánh trúng mục tiêu, tạo ra quầng lửa lớn.
Xuất hiện video 'trận địa Patriot ở Kiev' phóng liên tiếp 17 tên lửa
Trận địa phòng không nghi là Patriot khai hỏa tại Kiev rạng sáng 24/5. Video: X/DDGeopolitics
Trong khi đó, UAV Geran-2 của Nga, được cho là mẫu Shahed do Iran chuyển giao công nghệ, đang áp dụng công nghệ dẫn đường bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhắm vào các địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt của Ukraine, như thủ đô Kiev, một cách hiệu quả hơn.
Trận không kích kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và UAV của Nga hôm 24/5 đã phá hủy hàng loạt tòa nhà ở ngoại ô phía bắc Kiev. Bộ tư lệnh không quân Ukraine tuyên bố chặn được 6 tên lửa đạn đạo Iskander-M cùng 245 UAV tự sát dòng Geran và phi cơ mồi bẫy, nhưng ngầm thừa nhận đã để lọt 8 quả đạn Iskander-M và 5 UAV.
Hai tuần trước đó, UAV gắn đầu đạn nhiệt áp Nga đã khiến một trung tâm thương mại hư hỏng nặng, làm vỡ kính cửa sổ những ngôi nhà cách mục tiêu tới 300 m. Cùng tuần, chiếc khác mang bom chùm hẹn giờ đánh trúng một trường huấn luyện ở rìa phía đông nam thành phố.
Thách thức lớn nhất với phòng không Ukraine nằm ở số lượng khí tài mà đối phương nhắm về phía họ. Năm ngoái, Nga sản xuất bình khoảng 300 UAV mỗi tháng. Hiện tại, họ chỉ mất chưa đầy ba ngày để cho ra lò số lượng tương tự.
Theo tình báo quân sự Ukraine, một số tài liệu cho thấy Nga dự định tăng sản lượng UAV lên 500 chiếc mỗi ngày, đồng nghĩa các đợt tấn công với 1.000 chiếc hoàn toàn có thể thành hiện thực trong tương lai.
Chuyên gia hàng không Ukraine Kostiantyn Kryvolap cho rằng số liệu trên có thể phần nào bị phóng đại, nhưng với năng lực sản xuất của ngành công nghiệp vũ khí Nga, "rõ ràng số lượng vũ khí đang tăng đáng kể". Kryvolap đánh giá ngay cả khi Ukraine giữ được phòng tuyến ở miền đông, việc bảo vệ bầu trời hậu phương sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Bên trong nhà máy sản xuất UAV tự sát tầm xa của Nga
Tại một xưởng bí mật ở Kiev, nhóm kỹ sư đang tháo tung chiếc UAV do Nga sản xuất. Mọi mảnh vỡ vũ khí Nga rơi xuống các thành phố Ukraine đều được đưa đến những cơ sở nghiên cứu như vậy để đánh giá, phân tích. Mục tiêu là ghi lại mọi đặc tính của vũ khí để cập nhật phương án đối phó.
Tháng qua, công việc vẫn không ngừng nghỉ. Dù hy vọng về một lệnh ngừng bắn đang được nhen nhóm, Nga vẫn tìm nhiều cách để xuyên thủng hệ thống phòng không Ukraine, vốn đã đối mặt khó khăn chồng chất do thiếu tên lửa đánh chặn, gián đoạn trong nguồn hỗ trợ từ Mỹ cũng như việc đối phương liên tục thay đổi chiến thuật tấn công.
Trong lúc mổ xẻ những chiếc UAV vừa thu được, các kỹ sư cho hay mối lo lớn nhất với họ là việc UAV mới của Nga giờ đây gần như "miễn nhiễm" với những phương pháp tác chiến điện tử Ukraine hiện có.
Điều này là do chúng không còn phụ thuộc vào tín hiệu GPS vốn dễ bị gây nhiễu, mà được điều khiển bằng AI, đồng thời sử dụng chính mạng Internet và mạng di động Ukraine. Ngay cả khi kết nối với người điều khiển bị gián đoạn, UAV Nga vẫn có thể tự bay đến khu vực đã định, sử dụng AI để lựa chọn mục tiêu và lao xuống.
Nhóm nghiên cứu kể rằng gần đây, họ phát hiện mẩu giấy bên trong chiếc UAV bị bắn rơi, dường như do một kỹ sư Nga phần nào có cảm tình với Ukraine để vào, tiết lộ về thuật toán điều khiển mới.
Mẩu giấy cho thấy UAV được điều khiển qua các bot trên nền tảng mạng xã hội Telegram, gửi dữ liệu chuyến bay và hình ảnh trực tiếp về cho người vận hành theo thời gian thực.
Cảm biến giúp UAV tự sát Nga trở thành phi cơ trinh sát
Không lâu trước đây, phần lớn nhiệm vụ đối phó UAV do các đội cơ động dùng súng máy tên lửa vác vai và pháo tầm ngắn của Ukraine đảm nhiệm. Hiện tại, UAV Nga thường xuyên qua mặt các nhóm này, đại tá Denys Smazhny, sĩ quan lực lượng phòng không Ukraine, cho hay.
Chúng ban đầu bay thấp để tránh bị phát hiện, sau đó, khi đến gần mục tiêu, UAV đột ngột bay cao lên 2.000-2.500 m, vượt tầm bắn của pháo phòng không cỡ nhỏ. Để đối phó, Ukraine chuyển sang dùng trực thăng, tiêm kích F-16 cùng UAV đánh chặn.
Chiến thuật này đang cho thấy kết quả tốt. Một quan chức cấp cao cho biết phòng không quanh Kiev vẫn bắn hạ khoảng 95% số UAV do Nga triển khai. Nhưng 5% lọt qua vẫn gây thiệt hại nặng nề.
Ukraine lúc này vẫn có khả năng chống đỡ trước UAV và tên lửa hành trình, nhưng triển vọng đối phó mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo ảm đạm hơn nhiều.
Chỉ một số ít quốc gia sở hữu hệ thống phòng thủ hiệu quả trước loại vũ khí có tốc độ nhanh và sức hủy diệt lớn như vậy. Ở phương Tây, hệ thống Patriot của Mỹ gần như độc quyền trong lĩnh vực phòng không chống tên lửa đạn đạo. Ukraine hiện có ít nhất 8 tổ hợp Patriot, song chúng thường không thể hoạt động cùng lúc do một số tổ hợp có thể bị hỏng hóc hoặc đang chờ sửa chữa.
Dù chỉ nắm trong tay số lượng ít ỏi, các đội vận hành Patriot của Ukraine vẫn sử dụng chúng với kỹ năng đáng chú ý. Từ mùa xuân năm 2023, họ được cho là đã bắn hạ hơn 150 tên lửa đạn đạo Nga. Tuy nhiên, những hệ thống này chủ yếu chỉ tập trung quanh Kiev.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay Ukraine cần thêm ít nhất 10 tổ hợp Patriot nữa cùng với kho dự trữ tên lửa đánh chặn PAC-3 tương ứng, để giữ an toàn cho các thành phố của họ. Ông khẳng định Ukraine sẵn sàng chi trả bất cứ giá nào, có lẽ là dùng tiền từ châu Âu, song Nhà Trắng chưa có cam kết cụ thể.
Vấn đề nằm ở việc Ukraine hiện không còn là ưu tiên hàng đầu với Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. Lockheed Martin, tập đoàn sản xuất hệ thống Patriot và PAC-3, đang tăng sản lượng lên 650 tên lửa mỗi năm. Nhưng con số này vẫn ít hơn khoảng 100 so với số tên lửa đạn đạo Nga dự kiến sản xuất. Một nguồn tin từ chính phủ Ukraine ước tính Nga hiện sở hữu kho dự trữ lên tới 500 tên lửa. Thông thường, cần hai tên lửa đánh chặn PAC-3 để hạ một tên lửa đạn đạo Nga.
Ukraine đã yêu cầu được Mỹ cấp quyền sản xuất phiên bản PAC-3 của riêng mình, nhưng điều này dường như khó thành hiện thực. Quá trình chế tạo dự kiến bắt đầu ở Đức, nhưng phải đến cuối năm 2026 mới bắt đầu. Cũng có các dự án chung khác đang diễn ra, nhưng trong mọi trường hợp, ít nhất một năm nữa chúng mới có thể được sản xuất hàng loạt.
Để chống lại sức ép từ những cơn "mưa lửa" của Nga, Ukraine có lẽ sẽ phải tự xây dựng một chiến lược kết hợp giữa phòng thủ, tấn công và răn đe. "Chúng ta cần phá hủy các tổ hợp phóng, nhà máy và kho tàng của Nga", Kryvolap nói. "Nhưng ta không nên ảo tưởng vào bất cứ điều gì".
Vũ Hoàng (Theo Economist, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Putin mất chỉ huy tinh nhuệ tại Ukraine: đòn giáng mạnh vào biểu tượng quân sự Nga 08/05/2025
-
Ukraine tung đòn drone trước ngày 9/5: Thách thức niềm kiêu hãnh quân sự của Nga 07/05/2025
-
Sáu “nhát dao” sau lưng Putin: nhiều đồng minh từ chối dự diễu binh tại Moscow 07/05/2025
-
Tổng thống Zelensky sốc, châu Âu lo ngại: Trump tuyên bố Mỹ sẽ không can dự vào xung đột Nga - Ukraine 20/05/2025