Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các nước châu Phi và cuộc đảo chính của quân đội Niger tuần trước có thể gây ra gián đoạn.

Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger hôm 26/7 tuyên bố đảo chính, lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum và thành lập chính quyền quân sự. Đây là biến cố mới nhất trong loạt vụ đảo chính xảy ra trong ba năm qua ở khu vực Sahel của châu Phi.

"Sahel" theo tiếng Arab nghĩa là "bờ biển". Tại châu Phi, Sahel là khu vực rộng lớn nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và thảo nguyên nhiệt đới ở phía nam. Theo Liên Hợp Quốc, 10 quốc gia thuộc khu vực Sahel gồm Burkina Faso, Cameroon, Chad, Gambia, Guinea, Mauritania, Mali, Niger, Nigeria và Senegal.

Từ năm 2020, các cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra ở Burkina Faso, Guinea, Mali, Chad và Sudan. Các quốc gia trên đều là những nơi mà Trung Quốc có lợi ích kinh tế lớn và đang tìm cách mở rộng chương trình đầu tư, thương mại trị giá nhiều tỷ USD, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bởi vậy, cuộc đảo chính ở Niger có thể gây thêm thách thức với các khoản đầu tư của Trung Quốc tại khu vực này.

1 Dao Chinh Niger Co The Anh Huong Loi Ich Trung Quoc O Chau Phi

Các binh sĩ Niger thông báo lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum trên truyền hình nhà nước hôm 26/7. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đang giám sát chặt chẽ tình hình ở Niger và kêu gọi các bên liên quan hành động vì lợi ích của đất nước và người dân, giải quyết các khác biệt một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Rahmane Idrissa, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu châu Phi tại Đại học Leiden của Hà Lan, cho hay Trung Quốc đang hiện diện tại Niger với tư cách là đối tác kinh tế, thông qua các dự án khai thác dầu mỏ ở miền đông nước này.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, hai công ty quốc doanh là tập đoàn dầu khí Trung Quốc và tập đoàn hạt nhân Trung Quốc đã đầu tư lần lượt 4,6 tỷ USD và 480 triệu USD để khai thác dầu mỏ và uranium ở Niger. Ngành công nghiệp uranium ở Niger đóng góp 5% cho lượng quặng uranium cấp độ cao nhất trên toàn cầu.

Trước khi bị đảo chính, tổng thống Bazoum tháng trước đã gặp đại diện Tập đoàn Uranium Quốc gia Trung Quốc (CNUC) để thảo luận các điều kiện mua lại công ty khai thác mỏ Azelik (Somina), liên doanh mà CNUC và chính phủ Niger đều là cổ đông chính. Tập đoàn Trung Quốc gần đây đang cân nhắc việc tái khởi động dự án sản xuất uranium ở khu vực miền bắc Niger, từng phải dừng hoạt động cách đây 9 năm do tình hình ảm đạm của thị trường. Giá uranium tăng cao hiện nay là cơ sở để dự án hoạt động trở lại.

Hồi đầu tháng, Đại sứ Trung Quốc tại Niger Jiang Feng đã gặp Tổng thống Bazoum, nói rằng Trung Quốc muốn xây khu công nghiệp tại thủ đô Niamey, cho rằng kế hoạch này sẽ tác động đáng kể đến nông nghiệp, sản xuất, chế tạo và bất động sản.

Trong cuộc gặp, ông Jiang cũng thông báo về chuyến thăm tới Agadem, nơi đang xây dựng đường ống xuất khẩu Niger - Benin, dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc phát triển.

Đường ống dài gần 2.000 km, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy ngành sản xuất dầu thô của Niger tăng thương mại quốc tế thông qua cảng biển ở Benin.

Mohammed Soliman, giám đốc Viện Trung Đông ở Washington, cho biết cuộc đảo chính ở Niger đã làm cho thấy tình trạng bất ổn ngày càng tăng ở khu vực Sahel.

"Niger đang sở hữu đáng kể các mỏ uranium và nhiều tài nguyên giá trị khác như vàng, nên biến động ở nước này làm dấy lên lo ngại về tác động sâu rộng đến kinh tế toàn cầu", ông nói.

2 Dao Chinh Niger Co The Anh Huong Loi Ich Trung Quoc O Chau Phi

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp tổng thống Niger khi đó là Mahamadou Issoufou trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) hồi tháng 9/2018. Ảnh: CGTN

Soliman cho rằng căng thẳng tại vùng Sahel có thể leo thang và gây ra hậu quả đáng kể với lợi ích kinh tế cũng như đầu tư của Trung Quốc tại Niger hay các quốc gia láng giềng. Tình trạng bất ổn có thể làm gián đoạn các dự án hạ tầng, các ngành công nghiệp khai thác, gây rủi ro cho lợi ích kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực.

Trong khi đó, John Calabrese, giáo sư tại Đại học Mỹ ở Washington, nói rằng điều đáng lưu tâm là liệu lãnh đạo mới ở Niger có tuân theo những thỏa thuận đã ký giữa Bắc Kinh và chính quyền Tổng thống Bazoum hay không.

Châu Phi được coi là "đấu trường" tranh giành ảnh hưởng mới giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Cuộc đảo chính ở Niger có thể đe dọa các khoản đầu tư của Bắc Kinh, nhưng cũng là cơ hội để Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Gyude Moore, chuyên gia cấp cao về chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở ở Washington, cho hay trước đảo chính, Niger vẫn là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ Pháp, một đồng minh của Mỹ. Niger là một trong những quốc gia cuối cùng nhận hỗ trợ từ Pháp trong cộng đồng Pháp ngữ tại châu Phi.

Phe đảo chính đã cáo buộc Pháp "đang tìm cách can thiệp quân sự vào Niger", sau khi Tổng thống Emmanuel Macron ngày 30/7 cảnh báo Pháp sẽ "lập tức hành động và không khoan nhượng" nếu công dân hoặc lợi ích của nước này bị xâm phạm. Paris đã bác bỏ cáo buộc can thiệp vào Niger.

Chuyên gia Moore cho rằng Trung Quốc không đặt ưu tiên vào chính quyền nào sẽ nắm quyền ở Niger, do đó nếu phương Tây giảm hiện diện ở nước này, ảnh hưởng của Trung Quốc tất yếu sẽ tăng lên.

Những đóng góp của Trung Quốc vào sự ổn định an ninh tại Sahel, như cử phái đoàn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Mali, được gắn chặt với lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, theo Moore. "Những lợi ích đó sẽ khiến Trung Quốc muốn đảm bảo sự ổn định, bất kể chế độ nào đang cầm quyền", ông nói.

Anh Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC