Theo dữ liệu từ sàn giao dịch ICE London, giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên giảm xuống dưới 1.800 USD cho mỗi 1.000 m3 trong phiên giao dịch ngày 19-9, kể từ ngày 25-7.

1 Gia Khi Dot O Chau Au Giam Duoi 1800 Usd

Đường ống khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức, ngày 19-9 - Ảnh: REUTERS

Giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9 tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan giảm xuống còn 1.790 USD/1.000 m3, tương đương 173,5 euro/MWh.

Theo Hãng thông tấn TASS của Nga, giá khí đốt giảm do dự trữ khí đốt tại các cơ sở lưu trữ ở châu Âu đang tiệm cận mức tối đa, hiện đã đầy hơn 85%.

Trước đó, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết lấp đầy ít nhất 80% các cơ sở lưu trữ vào mùa đông 2022 - 2023 và đạt 90% vào các mùa đông tiếp theo.

Ngoài ra, trong những ngày gần đây, tỉ lệ sản xuất điện gió ở châu Âu đã tăng lên đáng kể và hiện đạt mức trung bình hơn 14% vào tháng 9 so với 10% vào tháng 8, 12% vào tháng 7 và 9% vào tháng 9-2021.

Cũng trong ngày 19-9, EU đề xuất dự thảo quy định trao cho Ủy ban châu Âu (EC) quyền khẩn cấp giải quyết các cuộc khủng hoảng nguồn cung.

Dự thảo quy định trao quyền cho EC yêu cầu các nước EU tái tổ chức chuỗi cung ứng và tăng nguồn cung các mặt hàng liên quan đến khủng hoảng nhanh nhất có thể, gồm mở rộng hay cải tiến các cơ sở sản xuất hiện có, hoặc thiết lập các cơ sở mới và đưa hàng hóa liên quan đến khủng hoảng ra thị trường.

Các công ty có trụ sở tại châu Âu có thể bị buộc phải ưu tiên sản xuất các sản phẩm chủ chốt và dự trữ hàng hóa liên quan đến khủng hoảng. Cơ chế này được đề xuất nhằm đối phó với các vấn đề nguồn cung do tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Các doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch hoặc lừa dối có thể bị phạt đến 300.000 euro (299.220 USD), trong khi những doanh nghiệp không tuân thủ lệnh ưu tiên các sản phẩm chủ chốt có thể phải chịu đóng phạt hằng ngày ở mức 1,5% doanh thu trung bình ngày.

Đề xuất dự kiến sẽ vấp phải phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và một số nước EU, do lo ngại cơ chế này vượt quyền hạn của EC.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC