Cuối tháng 6 vừa qua, Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc bắt đầu điều tra chuyên sâu vụ 2.236 "trẻ sơ sinh ma". Đây là những đứa trẻ chào đời trong giai đoạn 2015 - 2022, có giấy chứng sinh nhưng không có giấy khai sinh.

1 Han Quoc Sua Luat De Ngan Tre So Sinh Ma

Cảnh sát tỉnh Gyeonggi khai quật hài cốt của một bé trai 2 ngày tuổi (sinh năm 2015) bị gia đình bỏ mặc đến chết và chôn vì mắc hội chứng Down - Ảnh: YONHAP

Vụ việc gây chấn động dư luận trên đã tạo sức ép cho cơ quan chức năng Hàn Quốc kiến nghị thay đổi luật hình sự theo hướng trừng phạt nghiêm các hành vi bỏ rơi và giết trẻ sơ sinh.

Những vụ án đau lòng

Từ vụ 2.236 "trẻ sơ sinh ma", hàng loạt vụ án cha mẹ giết hại con mới sinh được các cơ quan điều tra và lực lượng cảnh sát xứ sở kim chi đưa ra ánh sáng.

Ngày 14-7, Cơ quan cảnh sát tỉnh Jeolla Nam đã khép lại vụ án điều tra một trẻ sơ sinh nghi bị mẹ ruột giết hại và giấu xác sáu năm trước vì không thể tìm được hài cốt đứa trẻ. Ban đầu, người mẹ này khai nhận đã sinh con trai tại một bệnh viện ở TP Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, vào ngày 27-10-2017 và đứa trẻ đột ngột tử vong chỉ hai ngày sau khi chào đời.

Tuy nhiên, sau đó người mẹ tàn nhẫn này lại thú nhận bản thân đã chôn sống con trai 2 ngày tuổi tại một ngọn đồi gần nhà mẹ ruột ở TP Gwangyang.

Cũng trong ngày 14-7, cảnh sát TP Gwangju đã chính thức khởi tố một phụ nữ với tội danh giết người và giấu xác, sau một thời gian kiên trì điều tra vì nhận thấy những điểm bất thường.

Theo đó, người mẹ đơn thân 30 tuổi này khai nhận đã sinh con gái tại bệnh viện vào đầu tháng 4-2018. Do cảm thấy sẽ khó khăn khi phải nuôi con một mình nên chị đã bỏ đứa trẻ lại bệnh viện. Khi quay lại bệnh viện và phát hiện đứa trẻ đã chết, chị đã cho xác con gái vào túi đựng rác rồi vứt đứa trẻ tại một thùng rác gần nhà.

Ngoài lý do kinh tế, những người mẹ đơn thân ở Hàn Quốc đang phải chấp nhận sự chối bỏ từ chính gia đình, phải sống dưới sự phán xét của những người xung quanh và điều tiếng từ xã hội. Chính điều này đã khiến nhiều người mẹ nhẫn tâm giết chết hoặc bỏ rơi chính đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra.

Ngoài ra, nhiều người còn nhẫn tâm vứt bỏ con ruột mới sinh sau khi phát hiện chúng bị khuyết tật vì lo bị xã hội kỳ thị. Văn phòng công tố Suwon, tỉnh Gyeonggi, vừa tiếp nhận xét xử vụ án một bé trai 2 ngày tuổi bị chính cha mẹ và bà ngoại bỏ mặc cho đến chết và sau đó bị chôn ở một ngọn đồi gần nhà vì "bé mắc hội chứng Down" hồi tháng 3-2015.

Sửa luật, hỗ trợ tinh thần

Những vụ việc đau lòng ở trên chỉ là một vài trong rất nhiều vụ án gây rúng động dư luận liên quan đến việc giết bỏ hoặc bỏ rơi trẻ sơ sinh ở xứ sở kim chi.

Để đối phó với vấn nạn gây nhức nhối này, các quan chức Hàn Quốc đã đề xuất bãi bỏ tội danh giết hoặc bỏ rơi dẫn đến trẻ sơ sinh tử vong trong Bộ luật Hình sự hiện hành để những bị cáo có hành vi bỏ rơi hoặc giết con sơ sinh dẫn đến trẻ tử vong phải nhận mức tương đương với tội danh giết người.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, dự luật thay đổi các điều khoản về hành vi giết hoặc bỏ rơi dẫn đến trẻ sơ sinh tử vong trong Bộ luật Hình sự Hàn Quốc đã được Ủy ban Tư pháp nước này thông qua hôm 13-7. Nếu đề án sửa đổi trên tiếp tục được thông qua tại hai phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp và Quốc hội sắp tới, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ luật Hình sự của Hàn Quốc được sửa đổi sau 70 năm kể từ khi ra đời.

Theo Bộ luật Hình sự hiện tại, tội giết người thường bị phạt tử hình, chung thân hoặc tối thiểu 5 năm tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của mỗi vụ án. Trong khi đó, tội giết trẻ sơ sinh chỉ bị lãnh mức án phạt tù tối đa 10 năm.

Các hành vi bỏ rơi người khác lãnh mức phạt từ 3 - 10 năm tù hoặc phạt hành chính từ 5 - 15 triệu won (khoảng 93 đến hơn 279 triệu đồng). Tuy nhiên, tội bỏ rơi trẻ sơ sinh lại chỉ bị phạt tối đa 2 năm tù hoặc phạt hành chính 3 triệu won (gần 56 triệu đồng).

Đặc biệt, mức án phạt cũng được giảm nhẹ đối với hành vi bỏ rơi hoặc giết trẻ sơ sinh trong trường hợp trẻ sơ sinh bị chính người thân trực hệ bỏ rơi hoặc giết chết do không đủ điều kiện nuôi dưỡng vì lý do bất khả kháng hoặc những động cơ đặc biệt được giảm án theo quy định.

Bên cạnh đề xuất thay đổi Bộ luật Hình sự, Chính phủ Hàn Quốc cũng đẩy mạnh tăng cường hỗ trợ về tinh thần, thể chất và cả điều kiện sinh hoạt của các thai phụ, đặc biệt là những người đang gặp khủng hoảng và các bà mẹ đơn thân.

Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc cũng cho biết sẽ đẩy mạnh nâng cao nhận thức của xã hội về các bà mẹ đơn thân để họ có thể yên tâm nuôi con cũng như có thể nuôi dạy con.

Bộ này cũng đang tiến hành cải thiện hệ thống khai báo thông tin các trẻ mới sinh cũng như tăng cường cải thiện thủ tục nhận con nuôi Hàn Quốc đối với người nước ngoài.

Sáng kiến "baby box"

Để cứu sống những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, Hàn Quốc cũng như một số quốc gia khác như Đức, Cộng hòa Czech, Ý hay Canada đã phát minh ra "baby box" (tạm dịch: chiếc hộp trẻ sơ sinh) - nơi cưu mang những đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc, mỗi năm nước này ghi nhận khoảng 200 trẻ sơ sinh bị bỏ lại trong những "baby box" đặt trước cổng nhà thờ, trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các trại trẻ mồ côi.

"Chiếc hộp trẻ sơ sinh" là một sáng kiến của mục sư Lee Jong Rak vào tháng 12-2009. Và từ bốn đứa trẻ trong năm đầu tiên, tính đến nay Hàn Quốc đã đón nhận hàng nghìn đứa trẻ đến từ những "chiếc hộp" như thế này.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC