Ông Blinken cho rằng quyết định của Nga là động thái "vũ khí hóa lương thực, coi đây là công cụ trong cuộc chiến nhằm vào Ukraine", đồng thời kêu gọi các quốc gia "theo dõi sát sao" hành động của Moskva.

Mỹ chỉ trích Nga "vũ khí hóa lương thực" sau khi nước này rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, kêu gọi các bên sớm khôi phục thỏa thuận.

"Hành động của Nga hôm nay sẽ khiến lương thực khó đến được với những khu vực đang có nhu cầu cấp thiết. Thỏa thuận cần được khôi phục nhanh nhất có thể", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ngày 17/7, nhắc đến việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản bằng đường biển, giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu do ảnh hưởng từ xung đột. Thỏa thuận có thời hạn ban đầu 120 ngày và đã được gia hạn một số lần đến ngày 17/7.

1 My Cao Buoc Nga Vu Khi Hoa Luong Thuc

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc họp báo ở Washington ngày 17/7. Ảnh: AFP

Nga ngày 17/7 thông báo dừng gia hạn sáng kiến, cho rằng những điều khoản liên quan đến Moskva trong thỏa thuận không được thực thi. Bộ Ngoại giao Nga cho hay Moskva sẵn sàng xem xét quay lại thỏa thuận nếu "thấy những kết quả chắc chắn, thay vì những lời hứa hẹn".

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng động thái trên đồng nghĩa các cảng ở Ukraine lại bị phong tỏa, và sẽ ảnh hưởng toàn bộ người dân trên thế giới. "Nga là bên duy nhất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hậu quả từ hành động gây hấn này", theo ông Kirby.

Hai quan chức Mỹ lưu ý giá ngũ cốc đã tăng ngay lập tức sau thông tin Nga rút khỏi thỏa thuận. Mỹ và các đối tác sẽ nghiên cứu tuyến đường thay thế, nhưng không có cách nào bù đắp được sản lượng xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen của Ukraine.

Giới chức Nga chưa phản ứng với bình luận từ Mỹ.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc được Nga đưa ra vài giờ sau khi nước này tuyên bố cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga "bị tấn công khủng bố". Tuy nhiên, giới chức Nga cho biết hai sự kiện không liên quan đến nhau.

Nga và Ukraine là hai trong số các nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, cũng là những quốc gia chủ chốt trên thị trường lúa mì, lúa mạch, ngô, hạt cải dầu, hạt hướng dương và dầu hướng dương.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày nói ông đã gửi đề xuất đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, kêu gọi tiếp tục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen mà không cần có Nga. Kiev sẽ làm việc với các bên trung gian về những bước đi tiếp theo.

2 My Cao Buoc Nga Vu Khi Hoa Luong Thuc

Hành lang an toàn theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Đồ họa: Guardian

Như Tâm (Theo Reuters, ABC News)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC