Một tướng Nga cho rằng quân đội Mỹ đang thực hiện kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới tới khu vực Đông Âu, đồng thời biến không gian trở thành một mặt trận.

 

42 1 My Sap Trien Khai Vu Khi Tam Xa Toi Khu Vuc Dong Au Bien Khong Gian Thanh Mat Tran Moi

Hệ thống Aegis Ashore tại Romania. Ảnh: Navy.mil

Phát biểu trước Hạ viện Nga hôm 11/7, Thiếu tướng Andrei Sterlin, người đứng đầu tổng cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên bang Nga tuyên bố:

“Có khả năng là Lầu Năm Góc quyết định sẽ tăng cường hoạt động chuẩn bị cơ sở (vũ khí) mà không chờ đợi các thủ tục pháp lý liên quan tới hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hoàn tất”.

Quan chức này lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ triển khai tên lửa tầm xa tới Romania và và sẽ đặt thêm một hệ thống khác ở Ba Lan. Đây là điều mà Nga lo ngại vì theo đó có thể gây nguy hiểm cho Moscow nhất là Romania có vị trí địa lý khá gần với Nga.

INF là hiệp ước được Liên Xô và Mỹ ký hồi năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển một loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Hiệp ước này được ký kết vào thời điểm đó nhằm làm xuống thang căng thẳng ở châu Âu, nơi 2 bên cùng triển khai nhiều tên lửa, động thái có thể làm nảy sinh rủi ro chiến tranh hạt nhân.

Hồi tháng 2, Mỹ đã công khai đơn phương rút khỏi INF với cáo buộc rằng Nga đã phát triển và thử nghiệm tên lửa 9M729 vi phạm hiệp ước vì có tầm bay vượt trên 5.000 km. Nga bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời “tố” Mỹ vi phạm INF vì triển khai Mk-41 tới Ba Lan và Romania.

Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thành luật, quyết định việc Nga dừng tuân thủ nghĩa vụ có trong INF.

Bên cạnh đó, ông Andrei Sterlin cũng phát đi một thông báo cáo buộc Mỹ đang tìm cách sử dụng không gian như là mặt trận chiến tranh mới.

“Lầu Năm Góc đang cân nhắc biến không gian thành chiến trường thực hiện hoạt động quân sự và yêu cầu duy trì quyền tự do hoạt động hoàn toàn tại khu vực này”, ông Sterlin nói.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2 đã ký lệnh thành lập lực lượng không gian Mỹ với các mục tiêu giám sát toàn cầu, định hướng tên lửa, và đối phó với mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc.

Nga đã lên án động thái này, kêu gọi Mỹ ngừng việc tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian. Trung Quốc đồng tình với quan điểm của Nga, nhấn mạnh rằng Washington muốn duy trì vị trí dẫn đầu trong không gian bằng việc thực hiện động thái trên.

Moscow cũng đã nhiều lần kêu gọi các bên không biến vũ trụ trở thành một mặt trận đối đầu vũ trang mới.

Theo ĐSPL

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC