Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này từ chối cho Ngoại trưởng Iran thăm Washington, cho rằng đáp ứng đề nghị này là không phù hợp.

"Iran đưa ra đề nghị, song Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 25/9 thông báo. "Với việc Iran bắt công dân Mỹ một cách sai trái và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, chúng tôi không tin rằng đáp ứng đề nghị đó trong trường hợp này là phù hợp hoặc cần thiết".

Một số nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian muốn tới thăm bộ phận phụ trách lợi ích lãnh sự của nước này tại thủ đô Washington, Mỹ sau khi kết thúc cuộc họp ở New York.

Do Mỹ và Iran đã cắt quan hệ ngoại giao, hai nước đồng ý thiết lập "bộ phận phụ trách lợi ích" tại quốc gia còn lại theo Hiệp định Algiers năm 1981. Mỗi nước chọn quốc gia thứ ba có quan hệ thân thiện với cả hai bên làm đại diện. Algeria ban đầu đại diện cho Iran, sau đó Pakistan tiếp nhận vai trò này từ tháng 3/1992.

Theo phát ngôn viên Miller, Mỹ có nghĩa vụ cho phép quan chức Iran và các quốc gia khác tới New York để thực hiện công việc tại Liên Hợp Quốc. "Tuy nhiên, chúng tôi không có nghĩa vụ cho phép họ tới thủ đô Washington", ông Miller khẳng định.

1 My Tu Choi Cho Ngoai Truong Iran Tham Washington

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian trong cuộc họp báo ở thủ đô Tehran ngày 13/9. Ảnh: AFP

Mỹ và Iran cắt quan hệ ngoại giao năm 1980 trong khủng hoảng con tin bắt đầu tháng 11/1979, khi nhóm sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran. 52 nhân viên ngoại giao Mỹ bị giữ làm con tin trong 444 ngày, sau đó được trả tự do vào tháng 1/1981.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran leo thang căng thẳng sau khi cựu tổng thống Donald Trump năm 2018 thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, cũng như áp đặt nhiều lệnh trừng phạt vào quốc gia Trung Đông.

Iran tuần trước thả 5 công dân Mỹ trong một cuộc trao đổi tù nhân. Đổi lại, Mỹ sắp xếp chuyển 6 tỷ USD bị phong tỏa của Iran từ Hàn Quốc sang một tài khoản ở Qatar.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết thỏa thuận tù nhân khó có thể dẫn đến các hoạt động ngoại giao rộng lớn hơn, ví dụ nối lại đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC