Các cuộc đối thoại giữa Bộ Tư lệnh LHQ và Triều Tiên về trường hợp binh nhì Mỹ vượt biên đã bắt đầu sau nhiều ngày Bình Nhưỡng im lặng.

"Các cuộc đàm phán được tiến hành với quân đội Triều Tiên thông qua cơ chế được thiết lập theo hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên. Mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của binh sĩ Travis King", trung tướng Andrew Harrison, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), cho biết tại cuộc họp báo ở Seoul ngày 24/7.

UNC là lực lượng quân sự đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu để giám sát hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Lực lượng này hiện diện ở Hàn Quốc vì về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên chưa ký hiệp ước hòa bình và vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Ông Harrison nói rằng thỏa thuận đình chiến quy định cơ chế cho phép UNC liên lạc với quân đội Triều Tiên, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết do "bản chất rất tế nhị của các cuộc đàm phán này".

"Đó là tình huống khó khăn và phức tạp", ông Harrison nói, thêm rằng đàm phán diễn ra tại Khu An ninh Chung (JSA). JSA, còn được biết với tên làng đình chiến Panmunjom, nằm ở phía tây của Khu phi quân sự (DMZ), dải đất dài 250 km và rộng 4 km phân chia hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Đây là nơi duy nhất người Hàn Quốc và Triều Tiên có thể "mặt đối mặt" và Seoul cũng cho phép mở tour du lịch tới khu vực.

"Một cuộc điều tra cũng đang được tiến hành để xác định những gì đã xảy ra, như làm thế nào Travis King được phép tham quan JSA dù từng gây rối như vậy. Hiện chưa có quyết định về việc khôi phục tour tham quan JSA", Harrison cho biết.

1 Trieu Tien Bat Dau Dam Phan Ve Linh My Dao Tau

Binh sĩ Mỹ Travis King. Ảnh: NBC

Binh nhì King vượt biên sang Triều Tiên ngày 18/7 khi đang chờ bị dẫn giải về nước chịu kỷ luật sau khi có các hành động gây gổ, hành hung, phá hoại xe cảnh sát trong thời gian đồn trú ở Hàn Quốc. Quân đội Mỹ tin rằng King đang bị phía Triều Tiên giam sau khi vượt biên.

Một luật sư đại diện cho King nói rằng thân chủ từng bị quân đội Mỹ giam trong nhà tù ở Pyeongtaek, Hàn Quốc và được hai sĩ quan áp giải ra sân bay hôm 18/7 để về nước, nơi quyết định kỷ luật sẽ được công bố. Tuy nhiên, sau khi qua cửa an ninh sân bay, King bằng cách nào đó đã quay ngược trở lại và nhập vào một đoàn du khách tới JSA rồi vượt biên sang Triều Tiên.

Giới chức Mỹ trước đó cho biết đã tìm mọi cách liên lạc với Bình Nhưỡng về trường hợp của King, song không nhận được phản hồi của Triều Tiên suốt nhiều ngày qua.

King, người gia nhập quân đội Mỹ vào tháng 1/2021, là binh sĩ Mỹ đầu tiên vượt biên sang Triều Tiên kể từ năm 1982. Lính Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên nổi tiếng nhất là Charles Jenkins, trung sĩ quân đội Mỹ vượt biên vào Triều Tiên năm 1962 khi đóng quân tại đơn vị gần Khu Phi Quân sự (DMZ).

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC