Với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5%.

1 Duc Thieu Hut Lao Dong La Thach Thuc Lon Nhat Doi Voi Tang Truong Kinh Te

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động.

Bộ trưởng Habeck đưa ra nhận định này sau khi Chính phủ Đức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống 0,2%, giảm mạnh so với mức 1,3% dự báo trước đó trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát cao dai dẳng làm giảm kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng.

Theo Bộ trưởng Habeck, với việc khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu đất nước không giải quyết được vấn đề này.

Ông cũng cho biết thêm các vị trí việc làm cần tuyển dụng bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.

Các ước tính chính thức cho thấy xã hội già hóa của Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động lành nghề vào năm 2035. Do đó, Chính phủ Đức đã đề xuất cung cấp các ưu đãi tài chính cho những người muốn làm việc lâu hơn và linh hoạt hơn khi về già.

Bộ trưởng Habeck cho biết việc xem xét lại trợ cấp thất nghiệp vốn ở mức cao cho một số đối tượng cũng là một biện pháp giải quyết vấn đề.

Theo Bộ trưởng Habeck, Đức cũng cần thu hút người nhập cư bằng cách giải quyết nhanh gọn thủ tục cấp thị thực, tăng các khóa học ngôn ngữ.

Hiện Đức đã đưa ra một số luật để thu hút lao động nhập cư như rút ngắn thời gian trở thành công dân Đức, đẩy nhanh thủ tục cấp thị thực và công nhận bằng cấp nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC