Vị chuyên gia kỳ vọng, với sự hỗ trợ của Israel, Nga có thể tự chủ trong nông nghiệp, thậm chí là cường quốc xuất khẩu nông sản.

 Cơ hội lớn

Trong một cuộc gặp của các quan chức Israel với Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich, hai bên đã thống nhất sẽ mua các sản phẩm nông nghiệp của nhau, thành lập các liên doanh và giới thiệu các công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nga muốn tăng cường xuất khẩu các sản phẩm lúa m​ỳ, thịt bò và trứng sang Israel.

Trong khi đó, Israel, vốn được coi là một cường quốc thế giới về công nghệ nông nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của nước này với các đối tác thương mại Nga.

Về phần mình, Bộ trưởng Nông nghiệp Israel Uri Ariel cũng cho biết Nga và Israel có kế hoạch thành lập một trung tâm triển lãm các công nghệ nông nghiệp tại thủ đô Moscow.

Bình luận về sự hợp tác giữa Nga và Israel trong nông nghiệp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá đây là cơ hội lớn cho Nga xây dựng nền nông nghiệp tự chủ, thậm chí có thể trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, mỗi quốc gia thường nhập khẩu các sản phẩm từ các vùng miền, quốc gia khác nhau trên thế giới, kể cả những sản phẩm họ có thể sản xuất được để thỏa mãn thị hiếu đa dạng của người dân và thúc đẩy các ngành nghề sản xuất trong nước phải thay đổi theo.

 

Khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận, Nga đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để phát triển kinh tế tự chủ, bền vững để có thể nuôi sống được đất nước mình.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Nga rất chú ý phát triển công nghệ sản xuất, các công nghệ mới, giống cây con mới gắn với nhu cầu sản xuất.

Riêng với Nga, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đây là quốc gia rộng lớn, dân số đông nhưng nền nông nghiệp khác với nhiều quốc gia khác trên thế giới ở chỗ mùa đông khắc nghiệt kéo dài tới khoảng nửa năm, cây cối bị bao phủ bởi tuyết trắng.

Do đó, nông nghiệp Nga phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ và thiếu nhiều sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm vùng nhiệt đới dẫn đến việc Nga phải nhập khẩu rất nhiều nông sản khu vực này.

Có một phần lớn nông sản được Nga nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng có điều kiện đỡ khắc nghiệt hơn như Liên minh châu Âu (EU).

Israel giúp Nga giáng đòn EU: Cơ hội lớn của Moscow - 0

Nga đã bắt tay với nhiều quốc gia từ Trung Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam... để có nguồn cung cấp nông sản.

Nhưng công nghệ sản xuất, phương thức kinh doanh của Trung Quốc, Ấn Độ chưa phải là công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc chủ yếu mở các trang trại trên đất Nga để đáp ứng nhu cầu nông sản, thực phẩm của người Nga là chính, do đó cái gọi là khả năng quản lý, công nghệ mới trong nông nghiệp được Trung Quốc đưa vào Nga không được bao nhiêu.

Vì vậy khi Nga kết hợp với Israel, một cường quốc về công nghệ nông nghiệp là bước phát triển vượt bậc, cả về mặt tư duy cũng như công nghệ nông nghiệp của Nga.

"Nếu giữa sa mạc với các điều kiện sản xuất khó khăn, người Israel có thể cải tạo đất trồng cấy được, áp dụng công nghệ cao để các cây , con phát triển mạnh mẽ thì với nước Nga, nơi có nhiều tuyết phủ vấn đề sẽ được giải quyết rất đơn giản. 

Việc hợp tác về nông nghiệp với Israel sẽ làm thay đổi tư duy của người Nga, không còn cứ phải phụ thuộc vào ông trời, giúp nông nghiệp Nga không chỉ trông chờ vào giống cây, con truyền thống mà có thể phát triển các giống cây, con năng suất cao, chất lượng tốt hàng đầu thế giới.

Chính vì thế, trong một tương lai không xa, với sự cộng tác với các cường quốc về công nghệ nông nghiệp như Israel, nền nông nghiệp Nga sẽ không chỉ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho người dân Nga mà Nga có thể sớm ghi tên mình vào danh sách những cường quốc xuất khẩu nông sản, thực phẩm hàng đầu thế giới", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, từ khi Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với kinh tế Nga, chính quyền Nga đã có những thay đổi rất lớn trong chính sách nông nghiệp, như họ có các chính sách ưu tiên về vốn, điều kiện tiếp cận thị trường... để thúc đẩy nông nghiệp phát triển từ chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc đến trồng trọt, bảo quản thực phẩm, công nghệ sản xuất, kinh doanh...

Các nhà nghiên cứu quốc tế cũng phải thừa nhận rằng, chính cấm vận là một trong những cú hích lớn tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong nông nghiệp Nga những năm qua và họ đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu về nông sản, thực phẩm cho người dân Nga.

Đến nay, nông nghiệp Nga đã có bước phát triển mạnh mẽ so với thời gian trước cấm vận rất nhiều.

Nếu Nga lại kết hợp mạnh mẽ với công nghệ nông nghiệp của Israel thì Moscow hoàn toàn trở thành một cường quốc về lương thực, thực phẩm.

"Khi Liên Xô tan rã đã có một làn sóng di cư của người Nga gốc Do Thái về Israel. Sau này, các nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẵn sàng mở cửa đón những người đó quay trở lại nước Nga, đây là động thái không đơn giản. 

Chính quyền Nga muốn những người Nga gốc Do Thái trước đây từng rời bỏ Liên Xô quay trở lại Nga để xây dựng, phát triển kinh tế Nga", ông Thịnh lưu ý.

Hợp tác cùng có lợi

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Israel, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp sẽ thúc đẩy ngành nông nghiệp Nga phát triển mạnh mẽ.

 

Dù vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng, việc Nga liên tiếp tìm các đối tác để bù đắp khoảng trống hàng nông sản từ EU không có nghĩa Nga 'dứt tình' với EU khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ sau này.  

"Khi phương Tây tiến hành cấm vận, kinh tế Nga đã vươn lên để bù đắp lượng hàng hóa bị thiếu hụt, ngoài ra, Nga có thêm sự bù đắp của hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Nhưng về lâu dài, việc xuất nhập khẩu giữa Nga và EU sẽ trở lại bình thường khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ.

  • Lý do trước hết là, hàng hóa ở quốc gia khác nhau có mẫu mã, chất lượng khác nhau, từ đó có lượng người dùng riêng biệt, họ có nhu cầu thì có người cung cấp.

  • Thứ hai, EU rất gần Nga nên chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều so với các quốc gia khác.

  • Thứ ba, châu Âu vẫn là vùng lãnh thổ có trình độ phát triển cao của thế giới, sự kiểm duyệt về an tàn thực phẩm chặt chẽ hơn nên luôn có lượng người dùng tin tưởng vào sản phẩm nông nghiệp của EU. Chính vì thế, nhu cầu nhập khẩu nông sản, thực phẩm sẽ sớm trở lại bình thường.

Tuy nhiên, điểm khác biệt so với trước đây là các sản phẩn nông nghiệp Nga đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước thì sẽ có một lượng lớn người tiêu dùng tin dùng vào sản phẩm nội địa.

Huống chi, người tiêu dùng Nga hiện nay không còn chỉ trông đợi vào nông sản EU như trước mà đã đa dạng hóa hơn nhờ sản phẩm của các quốc gia khác, Nga giảm được sự phụ thuộc vào nông sản của EU", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lý giải.

Vị chuyên gia chỉ rõ, bản thân EU cũng bị phản đòn vì các biện pháp cấm vận đối với kinh tế Nga: "Khi cấm vận, bên này đau 10 thì bên kia cũng đau 7, 8. Thời gian đầu Nga phải chịu cảnh 'đói" nông sản và sản phẩm trong nước tăng giá rất cao nhưng EU cũng bị mất đi một thị trường lớn như Nga.

EU và Nga vốn có quan hệ rất gần gũi, Nga chiếm vai trò rất quan trọng trong thị trường xuất khẩu của nông nghiệp các nước EU.

Một khi áp dụng lệnh cấm vận, hàng hóa EU cũng không vào được Nga, đã có hiện tượng nông dân một số nước EU phải đổ sữa, táo... vì không bán được hàng  Rõ ràng cả hai phía đều thiệt hại.

Dù vậy đòn cấm vận cũng là một cú hích làm cho nông nghiệp Nga tăng trưởng, phát triển và tự nhận thức rằng phải đa dạng hóa trong xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.

Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong quan hệ với Nga là EU bởi kim ngạch thương mại giữa hai bên lên tới hàng trăm tỷ USD, trong khi đó con số buôn bán giữa Mỹ và Nga chỉ rất nhỏ.

Dù còn nhiều vấn đề nhưng lợi ích quốc gia vẫn được các nhà hoạch định, thực thi chính sách đưa lên hàng đầu. Bằng chứng là nhiều nước EU muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận để quay lại làm ăn với Nga".

Về phía Israel, lý giải thái độ thân thiện của quốc gia này đối với Nga, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này không hẳn liên quan đến chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Israel và Mỹ.

"Từ trước đến nay, Israel thường ỷ lại vào Mỹ nhưng đã đến lúc họ nhận ra rằng không thể cứ ngồi chờ Mỹ giơ ô che chở mà phải làm thế nào để có càng nhiều đối tác, đặc biệt là các cường quốc chơi với mình thì vị thế về kinh tế, chính trị quốc gia mới được nâng cao.

Lâu nay Nga vẫn là một cường quốc trên thế giới, ngoài ra có một lượng lớn người Nga gốc Do Thái từng di cư đến Israel nên có rất nhiều người hiểu biết về nước Nga, có cảm tình với nước Nga.

Hiện nay Nga đang có vị thế ngày càng lớn trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông.

Trong bối cảnh Israel có mối quan hệ phức tạp với nhiều quốc gia Trung Đông khác, Israel sẽ cần đến bàn tay của Nga, cần một liên kết bền vững để giảm thiểu nguy cơ các cuộc tấn công, xung đột làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của Nhà nước Israel trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài", ông Thịnh chỉ rõ.

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC