Khu vực tự do đi lại Schengen đứng bên bờ vực đổ vỡ khi nhiều nước châu Âu tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào nước mình.

Hiện đa số người Đức cho rằng biện pháp này là đúng đắn.

Người Đức ủng hộ áp dụng biện pháp tái kiểm soát biên giới - 0

Kết quả cuộc thăm dò của kênh truyền hình ZDF ngày 19/2 cho biết có 58% số người Đức được hỏi cho rằng việc kiểm soát biên giới lúc này là "tốt" ngay cả khi hành động như vậy có thể gây cản trở cho việc đi lại cũng như lưu thông hàng hóa, trong khi 39% phản đối ý tưởng này.

Đặc biệt tỷ lệ ủng hộ việc tái kiểm soát biên giới ở số cử tri ủng hộ liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) (51%) còn cao hơn cả đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) - nhận được 49% - và có tới 90% số cử tri ủng hộ đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ủng hộ việc kiểm soát biên giới.

Cũng theo kết quả thăm dò, số người Đức hoài nghi khả năng hội nhập thành công của người tị nạn ngày càng gia tăng, khi có 54% cho rằng người tị nạn sẽ khó hội nhập thành công vào xã hội Đức.

Đáng chú ý, số người không đồng tình với chính sách giải quyết khủng hoảng người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giảm so với hồi tháng Một vừa qua, trong khi số người ủng hộ lại tăng lên.

Trong khi đó, trước các cuộc bầu cử nghị viện bang quan trọng vào tháng tới, Thủ tướng Merkel muốn chứng minh sự thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn châu Âu và bà muốn thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngay đầu tháng tới.

Theo báo chí Đức, Thủ tướng Merkel thực sự muốn chờ giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vào đầu tháng tới, do tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ) thiếu sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia chủ chốt trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Bà cho biết, đầu tháng Ba tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nhóm họp trở lại một lần nữa với sự tham dự của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, người không thể tới Brussels sau các vụ đánh bom khủng bố ở Ankara.

Tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận trong 6 giờ về cuộc khủng hoảng người tị nạn, song giữa các thành viên chỉ thể hiện sự bất đồng.

Bà Merkel nêu rõ rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ chỉ có thể được giải quyết với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, coi kế hoạch hành động EU-Thổ Nhĩ Kỳ là ưu tiên nhằm thực thi các mục tiêu giải quyết khủng hoảng.

Thủ tướng Merkel cho biết, hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ diễn ra “trong khoảng 14 ngày tới.”

Thời điểm này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, bởi Hội nghị thượng đỉnh EU theo kế hoạch tới ngày 18/3 mới diễn ra, trong khi các cuộc bầu cử nghị viện quan trọng tại các bang Baden-Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt của Đức đã diễn ra trước đó vào ngày 13/3.

Bà Merkel tin vào sự đúng đắn trong các biện pháp đã và sẽ được triển khai của EU nhằm hạn chế lượng người tị nạn đổ vào EU và một kết quả thuận lợi sau cuộc gặp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tín hiệu tích cực trước khi cử tri Đức đi tới các điểm bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước châu Âu còn hoài nghi về ý chí và khả năng hỗ trợ EU của Thổ Nhĩ Kỳ, một số quốc gia Đông Âu đã chọn giải pháp đóng cửa biên giới của mình để ngăn chặn dòng người di cư./.

Vietnam+




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC