Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với các quốc gia đồng minh để tăng cường chi tiêu quốc phòng, chưa có quốc gia nào đứng trước nhiều sức ép như Đức

Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép đối với các quốc gia đồng minh để tăng cường chi tiêu quốc phòng, chưa có quốc gia nào đứng trước nhiều sức ép như Đức, Washington Post nhận định.

Nếu nước này đáp ứng mục tiêu Washington đang thúc đẩy, Đức - cường quốc kinh tế của châu Âu - sẽ nhanh chóng bước vào tiến trình một lần nữa trở thành sức mạnh quân sự lớn nhất của Tây Âu.

Bất kỳ sự phục hưng sức mạnh nào của nước Đức sẽ vấp phải sự phản đối, đầu tiên và quan trọng nhất, của người Đức – với phần lớn người dân đang bác bỏ chủ nghĩa quân sự do hậu quả khủng khiếp thời Đức Quốc xã. Tuy nhiên, theo Washington Post, việc xét lại sức mạnh của Đức sẽ nhanh chóng trở thành một trong yếu tố phức tạp nhất trong chính sách xuyên Đại Tây Dương của Tổng thống Trump.

“Nóng” phát triển quân sự

Kể từ cuộc bầu cử tháng 11/2016 tại Mỹ, Đức – đang mắc kẹt giữa ông Trump và ông Vladimir Putin - ngày càng cảm thấy kém an toàn, Washington Post cho biết. Cùng với sự thúc đẩy của ông Trump về tiến trình tăng cường sức mạnh quân sự đối với đồng minh, người Đức đang thảo luận về tiến trình phát triển quân sự của nước này - điều hiện nay không thường xảy ra.

Nhiều chính trị gia Đức, học giả và các phương tiện truyền thông đã tranh luận rất nhiều về vấn đề trên và ngày càng có nhiều quan điểm kêu gọi một quân đội Đức mạnh hơn.

Sức mạnh Đức “bối rối” trước lời kêu gọi đột phá - 0

Lực lượng quân sự Đức tại Lithuania trong khuôn khổ hoạt động của NATO ngày 24/2. (Nguồn: AP)

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố kế hoạch tăng cường lực lượng quân sự Đức lên gần 200 nghìn quân năm 2024, tăng từ mức thấp trong lịch sử 166.500 quân từ tháng 6/2016.

Sau 26 năm cắt giảm, chi tiêu quốc phòng của Đức sẽ tăng 8% trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng đã có những phát biểu mạnh mẽ nói rằng Đức hiện nay không thể "chối bỏ" trách nhiệm quân sự của mình. Mặc dù được coi là một khả năng còn xa, một số tiếng nói đã đề cập đến điều trước đó từng bị bỏ qua: sự ra đời của một quả bom hạt nhân Đức.

"Nếu ông Trump kiên quyết với chính sách của mình, Mỹ sẽ để nền quốc phòng của châu Âu phụ thuộc vào người châu Âu ở một mức độ họ chưa từng biết đến kể từ năm 1945, " Berthold Kohler, chủ bút của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đã viết trong một bài xã luận gần đây.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Đức, có nhiều lý do - trong đó có sự vượt quá ngân sách và những lo ngại về việc dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang mới để phản đối sự phát triển quân sự. Theo một cuộc thăm dò được ủy quyền bởi tạp chí Stern và công bố trong năm nay, 55% người Đức phản đối, trong khi 42% ủng hộ việc gia tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm tới.

Trong năm 2014, các quan chức Đức đã đồng ý với các quốc gia NATO khác để chi tiêu ít nhất 2% GDP cho hoạt động quốc phòng trong vòng 10 năm - tăng từ khoảng 1,2% trong năm 2016.

Tuy nhiên, cho đến gần đây, nhiều quan chức Đức đã thừa nhận riêng rẽ rằng mục tiêu đó, sẽ đưa Đức đi tắt đón đầu Anh và Pháp trong chi tiêu quân sự, đang không đứng vững được về mặt chính trị. Ngay trước thềm cuộc bầu cử tại nước này vào tháng 9 tới, nước Đức hiện đang chịu nhiều sức ép về cuộc khủng hoảng di cư và sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy.

Mở rộng tham gia các nhiệm vụ

Bức tranh viễn cảnh về tương lai quân sự Đức đang được thể hiện rõ tại Lithuania - nơi có gần 500 quân Đức, bao gồm một tiểu đoàn chiến đấu Bavaria, đã đến từ  vài tuần qua để triển khai tại gần biên giới với Nga. Động thái này, theo khuôn khổ hoạt động của NATO đánh dấu điều các nhà phân tích mô tả là hoạt động quân sự đầy tham vọng nhất của Đức gần biên giới Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Lực lượng này được huy động với những thiết bị “đáng gờm” của Đức - bao gồm 20 xe chiến đấu bộ binh bọc thép Marder, sáu xe tăng chiến đấu Leopard và 12 xe bọc thép Fuchs và Boxer.

"Có lẽ, đối với Mỹ, nước này cần phải cẩn thận với điều họ mong muốn", Trung tá Torsten Stephan, phát ngôn viên quân sự cho quân đội Đức ở Lithuania cho biết. "Ông Trump nói rằng NATO có thể đã lỗi thời, và rằng chúng ta cần phải được độc lập hơn. Vậy có lẽ chúng ta sẽ làm điều đó. "

Quân đội Đức đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự ở Ba Lan và các khu vực khác của Đông Âu, và các phi công của nước này cũng nằm trong lực lượng ngăn chặn máy bay Nga tại khu vực biên giới phía đông của EU. Nước này cũng đã bắt đầu tham gia những nhiệm vụ nguy hiểm hơn - triển khai quân tới vùng Balkans, Afghanistan, và năm ngoái, đến Mali.

Quân đội Đức cũng đã tham gia vai trò hỗ trợ hậu cần trong liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Tuy nhiên, người Đức đang dự kiến sẽ làm nhiều hơn nữa. Đức, cùng với các đồng minh trong khu vực, đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động quân sự thông qua các hoạt động chung châu Âu - và các chuyên gia thấy rằng, NATO, có khả năng trở thành đường phát triển sức mạnh quân sự của Đức.

Đối với Lithuania, khi phải đối diện với một nước Nga ngày càng mạnh mẽ trong khi NATO đang có nhiều bất ổn, Lithuana muốn nước láng giềng Đức trở nên mạnh mẽ hơn.

"Tôi nghĩ rằng sự lãnh đạo của Mỹ nên được duy trì, nhưng cũng có thể, chúng ta cần sự lãnh đạo ở châu Âu," Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Raimundas Karoblis cho biết. Cần lưu ý rằng nước Anh đang trong quá trình rời khỏi EU và ông lưu ý nước Đức có thể trở thành bảo đảm lớn nhất cho sự ổn định trong khu vực."

Tại sao không phải là nước Đức? ", Washington Post trích dẫn lời ông Karoblis nói.

(Theo Washington Post)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC