Một chính trị gia Đức vừa tuyên bố ông này nhìn thấy sự tương đồng trong hành động của Erdogan và nhà độc tài của nước Đức phát-xít là Adolf Hitler.

Lãnh đạo đối lập Đức ví Erdogan với Hitler

Trả lời phỏng vấn tờ Bild am Sonntag, nhà lãnh đạo "Đảng tự do dân chủ (FDP) Đức Christian Lindner đã so sánh Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay với nước Đức Quốc xã thời 1933, khi xảy ra trận hỏa hoạn trong tòa Quốc hội, cho phép Hitler củng cố quyền lực của mình hơn nữa.

Chính khách Đức này cho rằng, âm mưu đảo chính gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, mở đầu cho chiến dịch bắt bớ lớn chưa từng có cũng có tính chất tương tự đám cháy trong Quốc hội Đức năm xưa, đều do chính quyền cố tình gây ra để thắt chặt luật pháp và quyền lực của mình.

Vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự được cho là do một nhóm tướng lĩnh gây ra.

Sau khi âm mưu đảo chính bị đập tan, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch “thanh trừng quân đội” lớn chưa từng có trong lịch sử.

Hàng ngàn sĩ quan cao cấp, trong đó có hàng trăm tướng lĩnh đã bị bắt giữ và truy tố khiến thượng tầng quân độ Thổ Nhĩ Kỳ lung lay tận gốc rễ, cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã sai thải hàng chục nghìn cảnh sát và nhân viên an ninh, thay máu cả lực lượng vũ trang.

Cùng với đó là hàng nghìn thẩm phán, công tố viên từ Tòa án Hiến pháp trở xuống cũng bị thanh lọc, giới giáo dục và hoạt động xã hội cũng chịu tình cảnh tương tự.

Chiến dịch “bàn tay sắt’ của ông Erdogan đã bị tố là “mượn gió bẻ măng”, hoặc thậm chí là cố tính gây ra đảo chính để tiêu diệt phe cánh đối lập và những người bất đồng chính kiến.

"Chúng tôi đã trải qua một cuộc đảo chính từ trên thượng tầng, như trong năm 1933, sau đám cháy trong Quốc hội Đức.

Và hiện nay, Erdogan đang xây dựng một chế độ độc tài, chỉ tập trung quyền lực vào bản thân ông ta, cũng tương tạ như nhà độc tài Adolf Hitler của nước Đức năm xưa” - ông Lindner nói.

Tổng thống Edogan bị dựng hình tượng Hitlerdogan - 0

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bị tố đang tìm cách xây dựng chế độ độc tài-Foto: Reuters

Ông Lindner nói, khi quyền tự do của cá nhân không còn, tiếng nói của nhân dân không được cất lên, người dân không có bất cứ vai trò nào trong đời sống xã hội, thì đất nước đó đã thuộc về một nhà lãnh đạo độc tài và Erdogan hiện nay không thể là đối tác của châu Âu được nữa.

Ông Lindner cũng đưa ra cáo buộc chính phủ liên bang Đức đã có chính sách "nhu nhược" đối với Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel đã quá thận trọng và thiếu quyết đoán trong vấn đề này.

Chính bà Merkel đã gián tiếp dung túng cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan làm càn khi chấp thuận những yêu sách vô lý của nước này để giải quyết vấn đề người nhập cư, làm ngơ trước sự mất dân chủ và tự do trong xã hội nước này.

Được biết đây không phải là lần đầu các chính khách và giới truyền thông Đức chĩa mũi dùi vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan. Mới hồi tháng 5 năm nay, ông Erdogan cũng đã bị giới văn nghệ sĩ nước này “dựng” hình tượng Hitler.

Nghệ sĩ Đức dựng hình tượng “Hitlerdogan”

Đêm hôm 18/5 vừa qua, một bức vẽ chân dung của Tổng thống Erdogan xuất hiện trên tường Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Berlin. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện trong phong cách của nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler (dân Đức gọi là kiểu “Hitlerdogan”).

Sau đó, nhóm nghệ thuật Pixel Helper đã đứng ra nhận trách nhiệm về việc trình chiếu bức vẽ này. Họ còn cẩn thận chú thích kèm theo dòng chữ “ông ta đã trở lại” (ý nói nhà lãnh tụ độc tài của nước Đức phát xít Adolfe Hitler đã tái sinh trong hình hài Erdogan).

Nhóm này cho biết, các bức chân dung của Hitler và Erdogan là biểu tượng cho cái ác và tội ác chống nhân loại nằm trong chính sách của ông nhà lãnh đạo Ankara.

Và những người Đức hoàn toàn hình dung được những gì xảy ra trong giai đoạn đầu của chế độ độc tài này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thách thức quyền tự do của các phương tiện truyền thông, bỏ tù nhiều nhà báo và các chính trị gia đối lập; kinh doanh dầu để cung cấp tài chính cho bọn khủng bố; tài trợ cho các nhóm phiến quân chống chính phủ các nước láng giềng như Syria.

Một đại diện của nhóm nói với tờ báo Independent rằng, “sự tương đồng giữa chế độ Đức Quốc xã thời kỳ đầu và chế độ của ông Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay đang gây lo lắng cho nhân loại. Lịch sử đang lặp lại, cần phải ngăn chặn trước khi quá muộn”.

Erodgan đã từng lỡ miệng “tôn sùng” Hitler?

Ngoài những hành động có tính chất tương tự như trùm phát xít Hitler, ông Erdogan cũng đã không ít lần “lỡ miệng” tỏ thái độ tôn súng chế độ của nhà độc tài Adolf Hitler của nước Đức trong giai đoạn trước và trong Thế chiến thứ 2.

Ví dụ như hồi tháng 1 năm nay, ông Erdogan đã dẫn nước Đức phát xít của Hitler làm tấm gương để noi theo khi trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu có thể đưa vào thực tại Thổ Nhĩ Kỳ hình thức lãnh đạo tổng thống, trong khi duy trì chế độ nhà nước đơn nhất hay không.

Tổng thống Edogan bị dựng hình tượng Hitlerdogan - 1

Dân Đức chiếu hình Tổng thống Erdogan theo kiểu Hitler trên tường Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ-Foto: Reuters

Vào thời điểm đó, đảng cầm quyền đã ủng hộ Erdogan trong cải cách hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ để thay đổi hệ thống nghị viện của chính phủ đối với tổng thống, chuyển từ chế độ Cộng hòa Nghị viện sang Cộng hòa Tổng thống.

Trong thời gian tới, có thể cuộc trưng cầu sẽ được tổ chức.

Phe đối lập phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng, bằng cách này, Erdogan tìm cách để tập hợp tất cả quyền lực vào tay mình và trở thành một “Sultan” mới của Đế quốc Ottoman tái hiện trong thời kỳ hiện đại.

Trong bối cảnh này, ông Erdogan vẫn thản nhiên trả lời rằng,“kinh nghiệm cho thấy rằng điều này là có thể, trên thế giới đã có những ví dụ về kiểu chế độ này, ví dụ như nước như Đức thời Hitler”.

Tuyên bố của ông Erdogan đã gây ra cơn bão phẫn nộ trong các mạng xã hội. Một số người lưu ý rằng hệ thống quyền lực trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay gợi nhớ chế độ độc tài phát xít Hitler và đất nước này hoàn toàn có thể đi theo con đường trở thành “của riêng” một nhà lãnh đạo độc tài.

Sau đó, Văn phòng Tổng thống Erdogan đã phải đưa ra lời giải thích tuyên bố của ông về nước Đức Hitlerrằng, một số phương tiện truyền thông đã giải thích "hoàn toàn trái ngược" tuyên bố của ông về nước Đức Quốc xã.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ giải thích rằng, ý của ông Erdogan khi nêu ví dụ về nước Đức năm xưa là “cho dù đó là mô hình nghị viện hay mô hình tổng thống, đều có thể điều hành đất nước theo con đường tai hại, như đã xảy ra ở nước Đức Quốc xã”, nhưng truyền thông đã trích dẫn sai ý đồ của ông Erdogan.

Phạm Quang Anh
Theo Frankfurter Allgemeine Zeitung/Bild am Sonntag/ Đất Việt

 

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC