Bác Hồ với truyền hình Việt NamTrong điều kiện chiến tranh cực kỳ ác liệt chưa thể xây dựng Đài phát sóng truyền hình nhưng Đảng, Nhà nước ta và Bác Hồ rất quan tâm tới truyền hình.

Từ giữa năm 1967, Ban tuyên huấn Trung ương Đảng đã mấy lần bàn việc này và đi tới quyết định, trước mắt cần làm phim 16 ly gửi nhờ Đài truyền hình các nước anh em phát sóng để tuyên truyền đối ngoại, đồng thời chuẩn bị cán bộ và cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng ngành truyền hình Việt Nam sau này. Xưởng phim Vô tuyến truyền hình Việt Nam (XPTH) trực thuộc Tổng cục Thông tin được thành lập theo quyết định số 01-TTg/VG ngày 4/1/1968 của Thủ tướng Chính phủ để làm nhiệm vụ kể trên với sự hỗ trợ của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Các phóng viên của XPTH được ưu tiên quay phim trên các mặt trận chiến đấu của quân và dân ta. Phái đoàn Việt Nam tại hòa đàm Paris chỉ được một biên chế phóng viên làm phim là nhà quay phim lão thành Thanh Chước của XPTH. Nhưng vinh dự nhất của xưởng là được ưu tiên thường xuyên quay phim về các hoạt động của Bác Hồ. Do đó, Bác nhớ những gương mặt quen thuộc của XPTH như: Thế Hùng, Việt Tùng, Quốc Cường...

Ngày 1/5/1968, sau khi tiếp khách quốc tế xong, Bác đã gọi nhà quay phim Thế Hùng tới bên bàn thân mật cầm một bong hoa tươi thắm trao cho anh và ôn tồn hỏi: "Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?".

Câu hỏi của Bác được kể lại đã thúc đẩy các cơ quan có trách nhiệm và những người công tác truyền hình chúng tôi nhiều suy nghĩa và đã trở thành động lực mạnh mẽ vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất - kỹ thuật để xúc tiến việc phát sóng. Là cơ quan báo điện tử, mặc dù cán bộ kỹ thuật còn ít và đang phải tập trung vào công tác phát thanh là mũi nhọn trên mặt trận tư tưởng văn hóa lúc đó, các anh Trần Lâm - Giám đốc và Huỳnh Văn Tiểng - PGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam đã chủ động nhận nhiệm vụ với Ban Tuyên huấn Trung ương tiến hành ngay việc thử nghiệm phát sóng truyền hình.

Cột ăng ten hơn 50m được lắp ráp tại 58 Quán Sứ, vài cái camera "ngựa trời" chắp vá từ các linh kiện tháo ra từ thiết bị điện tử cũ. Đó là cơ sở vật chất ít ỏi có được lúc đó. Đài TNVN cũng đã kịp đào tạo một số quay phim. XPTH cử thêm một số quay phim sang hỗ trợ. Tối 7/9/1970, buổi phát sóng truyền hình đầu tiên đã được thực hiện thành công.

Trước màn hình chúng tôi đều ngậm ngùi nhớ đến Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã đi xa không được xem truyền hình Việt Nam. Lời Bác nhắc nhở mãi mãi ghi sâu trong lòng những anh chị em làm truyền hình với ý nghĩa lớn lao mà anh chị em hiểu truyền hình là một vũ khí tư tưởng - văn hóa hiện đại, quan trọng hàng đầu phải phát triển nhanh để rộng rãi nhân dân được hưởng thụ.


TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC