Em Bàn Thị Lìu (14 tuổi) mới cưới chưa được bao lâu nhưng hai vợ chồng “tí hon” này đã nhiều lần đánh nhau,vì “nàng chẳng hiểu ý chàng”, dẫn đến những trận nổ lửa gần đây nhất là chàng đã đổ xăng lên giường để đốt, không ngờ ngọn lửa cứ thế bùng lên và cháy cả nhà.

Ở mấy ngọn núi thuộc xã Tân Sơn huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) chỉ cách đường quốc lộ 3 vài km, mọi hoạt động giao thương của Tân Sơn thường gắn liền với chợ trung tâm tỉnh Bắc Kạn, ấy vậy mà nạn tảo hôn ở đây cứ tồn tại như một bóng ma “ám” các em gái nhỏ tuổi, có em nhỏ đang tuổi đến trường bỗng thành mẹ, thành vợ khi chưa biết lo cho chính mình.

14 tuổi lấy chồng, 17 tuổi hỏi vợ

Ông Hà Văn Chín - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn buồn rầu cho biết: “6 tháng cuối năm 2008, đã xảy ra 6 trường hợp cưới tảo hôn, tình trạng này mới tái diễn sau nhiều năm được đẩy lùi”.

Qua tìm hiểu được biết, cả 6 trường hợp cưới tảo hôn “thành công” đều tập trung tại các thôn vùng cao Nà Khu, Bản Lù, Khuổi Đeng I và Nặm Dất. Trường hợp ít tuổi nhất là em Bàn Thị Lìu, thôn Nà Khu sinh năm 1994, năm nay em mới đủ 14 tuổi nhưng đã bỏ học và... lấy chồng!.

Bi hài chuyện vợ chồng... "tí hon"_0
Lấy chồng từ khi 13 tuổi đến nay tuy mới 19 tuổi nhưng vợ chồng Đinh Thị Bền (Quảng Ngãi) đã có 3 đứa con


Còn trường hợp em Lý Hữu Viên, thôn Khuổi Đeng I sinh năm 1991, tức là em mới 17 tuổi nhưng cũng đã lấy vợ, và còn nhiều trường hợp khác như Phùng Thị Hồng thôn Nặm Dất, Bàn Qúy Tỵ thôn Bản Lù, Bàn Phúc Lan thôn Khuổi Đeng đều chưa đến 18 tuổi cũng tổ chức cưới... hoành tráng.

Theo thói quen từ lâu đời của người dân, nhà nào có con gái cũng muốn gả chồng sớm, ngược lại nhà có con trai họ muốn cưới con dâu về để có người làm nương, làm việc nhà. Hầu hết các trường hợp này đều tổ chức cưới “chui”, họ không chịu báo cáo UBND xã để đăng ký kết hôn, vì họ đều biết chính quyền sẽ không cho cưới. Khi sự việc đồng loạt vỡ lở ở các thôn vùng sâu, UBND xã Tân Sơn đã lập biên bản để huỷ một đám cưới đối với em Trần Thị Kim Ngân, thôn Nặm Dất.

Chuyện về những cặp vợ chồng trẻ con còn là lời đàm tếu cho cả xã, đó là vụ việc của em Bàn Thị Lìu, 14 tuổi mới cưới chưa được bao lâu nhưng hai vợ chồng “tí hon” này đã nhiều lần đánh nhau, vì “nàng chẳng hiểu ý chàng”, dẫn đến những trận nổ lửa gần đây nhất là chàng đã đổ xăng lên giường để đốt, không ngờ ngọn lửa cứ thế bùng lên và cháy cả nhà.

Vì không chịu nổi những trận đòn, nên em Lìu đã bắt bố mẹ đẻ phải đưa em về nhà mình, do không biết phải làm như thế nào nên bố mẹ em mới mạnh bạo đến nhờ đến sự can thiệp của lãnh đạo xã, lúc này cán bộ xã mới biết rõ họ cho cưới tảo hôn.

Cán bộ dân số sinh "vượt" ... 2 con

Lại còn những chuyện nực cười nữa ở Tân Sơn hiện nay, có em gái mới cái tuổi “trăng tròn” đã học làm người lớn, khi bị cha mẹ mắng dạy bảo cũng sẵn sàng bỏ nhà đi theo con trai trong bản, có trường hợp còn về nhà bạn trai sống với nhau như vợ chồng, khi cả hai đã có con với nhau thì buộc bố mẹ phải tổ chức đám cưới.

Ngọn núi Tân Sơn này là nơi định canh định cư của đồng bào dân tộc Dao, cả xã có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Dao, nghề chính là làm ruộng và rẫy, cây gừng là thế mạnh giúp dân Tân Sơn thoát nghèo.

Người Dao Tân Sơn hiện nay không còn hộ đói, thông tin liên lạc và lưới điện đã phủ đến các bản làng, đời sống kinh tế và giao thương với các tỉnh miền xuôi cũng từ các sản phẩn nông lâm sản, con em đồng bào Dao nơi đây đã được học hành khá đẩy đủ, nhiều người đã làm cán bộ cấp huyện và xã, đến năm 2007 xã này chỉ còn 60 người ở độ tuổi 30 đến 40 bị mù chữ.

Điều đáng buồn ở đây là, cấp uỷ, chính quyền chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, lo cái ăn, cái mặc, cái chữ, không mấy quan tâm đến bên trong những mái ấm kia có gì lạ lắm không?. Như trường hợp của em Bàn Thị Lìu, là cháu ruột của Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã và Bí thư chi bộ thôn Nà Khu, còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã lại là thím ruột. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao trong gia đình có đến 3 người làm cán bộ cấp xã mà lại cho chính cháu mình cưới tảo hôn?

Xã Tân Sơn này không chỉ có chuyện cưới Tảo Hôn, mà từ đầu năm đến nay có tới 7 trường hợp sinh con thứ 3 và thứ 4, trong đó có chị Bàn Thị Thạch thôn Phja Dạ sinh đến con thứ 4, điều đáng nói ở đây là bản thân chị Thạch lại là cán bộ dân số.

Chia tay với Tân Sơn chiều cuối năm, cái gió lạnh và màn sương trắng tràn khắp núi rừng, cũng là lúc từng đoàn xe hàng nặng nề chở những củ gừng cay về miền xuôi bán đổi lấy hạt muối mặn cho người dân nơi đây. Dòng người ai đấy cứ hối hả vì công việc riêng của mình, còn trong tôi thì quặn đau vì trong những ngôi nhà nhỏ kia, biết bao nhiêu em nhỏ ngày mai sẽ phải xa lớp học để làm vợ, làm mẹ như Lìu.

Minh Danh
Theo VNA.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC