Bản tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri từ Cà Mau đến Hà Nội gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 được Ban Dân nguyện phát hành cho thấy “thái độ bức xúc đối với những vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là hành động xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa và Hoàng Sa, đánh bắt cá trên vùng biển Việt Nam, tấn công tàu cá ngư dân Việt Nam”, báo Việt Nam tường thuật.

Cử tri 15 tỉnh thành tại Việt Nam cùng đề nghị sớm kiện Trung Quốc về Biển Đông - 0

Hình ảnh đường băng trên đá Chữ Thập trong giai đoạn đang được xây dựng - Ảnh: Reuters

Cử tri đề nghị có các giải pháp đấu tranh quyết liệt hơn, sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, hạn chế các chính sách thỏa hiệp để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ”, VnEconomy hôm 19/4 đưa tin.

Hôm 20/4, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, nói: “Về chuyện Hà Nội có kiện hay bày tỏ thái độ cứng rắn hơn hay không tùy vào ‘đấu tranh nội bộ’ về những gì mà họ đã ‘hớ với Trung Quốc’, vì còn những vấn đề phức tạp chưa tiện nói trong mối quan hệ với Bắc Kinh”.

Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ chối nói rõ hơn về ‘đấu tranh nội bộ’ cũng như giải thích về điều ông mô tả là ‘hớ với Trung Quốc’.

Tuy vậy, ông cũng nhận định: “Theo tôi, quan hệ Việt - Trung khó có khả năng được cải thiện, vì Trung Quốc cứ khư khư thái độ như thế, trong lúc Việt Nam thì tùy từng lúc mà bộ chỉ huy hay lực lượng cảnh sát biển thích thì làm mạnh hơn một chút”.

Tháng 7/2014, báo trong nước đưa tin Hà Nội "chọn thời điểm kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài về Luật Biển" và 'củng cố, chuẩn bị hồ sơ đấu tranh pháp lý với Trung Quốc". Tuy vậy, từ thời điểm đó đến nay, truyền thông Việt Nam không cập nhật diễn tiến của vụ việc.

Hải Yến - Theo BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC