Dấu hỏi từ hàng chục ngàn điểm 0  Sự khác biệt về kết quả giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ ở mức độ nhất định là điều bình thường, nhưng khác biệt đến mức mâu thuẫn thì đáng báo động.

 Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các chuyên gia và thí sinh dự thi nhận xét đề thi ĐH, CĐ năm 2012 nằm trong chương trình THPT, vừa sức với đa số thí sinh, thế nhưng số bài bị điểm 0 chiếm khá nhiều. Trong khi đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, số thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt tới 98%. Điều này khiến nhiều chuyên gia giáo dục cũng như những người làm công tác quản lý nghi ngờ về chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp. 

Bệnh thành tích mãn tính
 
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho hay: Năm ngoái, môn Sử có nhiều bài thi bị điểm 0, nhiều người kêu là cách dạy Sử có vấn đề. Nhưng năm nay, thì không chỉ môn này mà cả môn Toán cũng có nhiều điểm 0. Đây là một kết quả khá… vô lý”. Thầy Cương đi sâu vào phân tích: Bài toán của kỳ thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có một khoảng cách nhất định, nhưng không phải là rất lớn. Bởi vì, 2 đề thi đều ra trong chương trình THPT, đề thi ĐH thì khó hơn một chút. Vậy không lý gì mà em thoát khỏi kỳ thi tốt nghiệp mà lại được 0 điểm ở kỳ thi ĐH. Một câu đơn giản như khảo sát hàm số, chí ít cũng phải được 1 điểm; hay tính đạo hàm, tính cực đại cực tiểu thì cũng được 0,25 hay 0,5 điểm. Rồi làm thêm mấy câu sau nữa thì tại sao lại được 0 điểm. Điều đó nói lên sự nghiêm túc giữa hai kỳ thi có khoảng cách rất lớn. 
 
Đồng quan điểm, NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng: Lập luận đi thi bao giờ chẳng có điểm 0 là đúng, nhưng điểm 0 chiếm tỷ lệ nào. Nếu nhiều điểm 0 thì phải tìm hiểu xem nó phản ánh cái gì, công tác đào tạo của chúng ta ra sao. “Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT làm chặt, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ít hơn thì kỳ thi ĐH không thể xuất hiện tình trạng nhiều điểm 0 như thế”, thầy Lâm khẳng định.
 
Trong khi đó, TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, sự khác biệt về kết quả giữa hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ ở một mức độ nhất định là điều bình thường, nhưng khác biệt đến mức mâu thuẫn thì thật đáng suy nghĩ. Cô Ly dẫn chứng: “Có những kết quả thi khiến những người làm giáo dục như chúng tôi phải đặt dấu hỏi về tính nghiêm túc, trung thực của nó. Chẳng hạn năm học 2010 - 2011, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trong kỳ thi thử của Ninh Thuận là 48,01% nhưng chưa đầy một tháng sau tại kỳ thi quốc gia, con số này lên đến 91,85%. Năm học 2011 - 2012 thi thử có tỷ lệ 46,9%, một tháng sau đạt đến 99,56%.
 
Vì đâu nên nỗi?
 
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT của chúng ta chưa nghiêm túc. Có thể ở kỳ thi này, nhiều giáo viên vì thương học sinh mà cho các em quay cóp, nhìn bài. Ngay ở khâu ra đề, muốn tỷ lệ đỗ bao nhiêu có thể điều tiết được. Còn thi ĐH, CĐ do các trường muốn có đầu vào chất lượng nên làm rất nghiêm túc, giám thị coi chặt vì đó không phải là học sinh mình. Bài mà không làm được, bị 0 điểm là đương nhiên. Do vậy, quan điểm cá nhân quan trọng nhất là cải tiến việc khảo thí; có như vậy mới có học thực, chất lượng thực.
 
Còn với thầy Đặng Lộc Thọ, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường CĐ Sư phạm Trung ương, thì sở dĩ có tình trạng TS không đủ năng lực nhưng vẫn muốn thi ĐH là vì 2 nguyên nhân. Thứ nhất là rào cản tâm lý, các em vẫn muốn là học tiếp lên ĐH. Thứ hai, đó là các vài chế độ chính sách chưa phù hợp, tiêu chuẩn khi tuyển lao động chưa hợp lý cho nên người ta buộc phải cố. Chẳng hạn, tuyển nhân viên lao công thì tiêu chí quan trọng nhất là sức khỏe tốt, thế nhưng người ta lại đưa ra tiêu chí phải tốt nghiệp THPT lên hàng đầu. Điều này dẫn đến phụ huynh nài nỉ nhà trường cho con đi học để lấy cái bằng tốt nghiệp lớp 12. Đậu được tốt nghiệp, gia đình lại muốn cho con đi thi ĐH, để nếu có không được thì sau này khỏi oán trách. Và, cuối cùng thì vẫn cho con đi thi mà chắc chắn biết là khả năng trượt. 
Hàng chục ngàn “trứng ngỗng”
 
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM có tới 6.956 TS có tổng số điểm 3 môn bằng 0, chiếm 14,8 %. ĐH Nông Lâm TP HCM có 784 điểm 0. ĐH Tôn Đức Thắng có 286 bài bị 0 điểm. ĐH Tài chính Marketing có 375 bài thi 0 điểm. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có 271 bài điểm 0; ĐH Tiền Giang có 88 bài thi 0 điểm. Trường ĐH Hồng Đức có 67 bài điểm 0; điểm từ 1 trở xuống có 2.404 bài. ĐH Tây Bắc có 573 bài điểm 0; điểm từ 1 trở xuống là 5.262 bài. ĐH Sư phạm Hà Nội có 485 bài điểm 0; điểm 1 trở xuống là 3.190 bài. ĐH Thái Nguyên có 1.761 bài điểm 0, điểm từ 1 trở xuống có 10.933 bài. ĐH Quảng Nam có 337 điểm 0, 2.635 bị từ điểm 1 trở xuống. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông  có 112 bài điểm 0; 595 bài từ điểm 1 trở xuống. ĐH Hà Nội có 125 điểm 0; tính từ điểm 1 trở xuống có đến 678 bài.

 

Theo Datviet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC