Đổi mới giáo dục đại học: Bắt đầu từ quản lý"Chỉ có đổi mới cơ chế quản lý giáo dục đại học (GDĐH) cả ở Bộ GD&ĐT cũng như tại từng trường thì mới có thể nâng cao được chất lượng giáo dục"- Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

33 năm, chưa chuyển biến

Phát biểu tại hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục và đào tạo giai đoạn 2010 - 2012 ngày 6-3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: 33 năm sau giải phóng, giáo dục đại học không có chuẩn đầu ra, chất lượng giáo dục ĐH tổng thể chưa có sự chuyển biến.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về GDĐH và sự yếu kém trong quản lý của bản thân các trường ĐH, CĐ.

Cần tăng tính tự chủ

NGƯT - PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hành động để thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng giáo dục đại học nằm ở khâu quản lý.

Trong đổi mới quản lý, Bộ GD&ĐT cần theo hướng phân cấp đối với các cơ sở đào tạo. Đó là phân quyền, trao quyền tự chủ cho các trường.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, cần phân chia các trường đại học thành các nhóm chất lượng tốt, trung bình, kém.

Đối với các trường đã đạt chất lượng tốt, Bộ GD&ĐT nên phân cấp toàn diện (tự chủ). Còn với những trường có chất lượng trung bình, yếu kém Bộ GD&ĐT phải quản lý chặt, giám sát kỹ.

Tăng tự chủ cho các trường cũng là đề nghị của TS. Nguyễn Ngọc Hợi - Hiệu trưởng ĐH Vinh. Theo ông, kể cả phải chủ động tạo điều kiện để các trường liên kết với các trường trên thế giới.

GS. TS Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐH Đà Nẵng lưu ý Bộ GD&ĐT về cơ chế cho các trường ĐH vùng.

Theo ông, trong 15 năm qua, mô hình ĐH vùng đã khẳng định tính ưu việt của mình. Nhưng hiện nay còn chưa phân biệt rõ ràng giữa ĐH vùng và ĐH độc lập.

Trong số 23 văn bản mà Bộ GD&ĐT sẽ ban hành trong năm 2010, chưa thấy văn bản nào riêng cho các đại học vùng. Muốn cho các đại học vùng phát triển bền vững cũng cần có những chính sách riêng, cụ thể hơn.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận việc quản lý hiện nay là chưa hợp lý. Đó là chúng ta chưa làm đúng quy luật về khoa học quản lý thực tiễn. Do đó, không đủ giảng viên, không đủ giáo trình, không ứng dụng công nghệ thông tin cũng không sao cả.

Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy nguyên nhân chính là ở hệ thống quản lý. Vì phân cấp chức năng quản lý chưa hợp lý nên hiện nay Bộ GD&ĐT có nhiệt tình đi kiểm tra mỗi ngày 2 trường thì cũng phải tới 3 năm mới làm xong” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Tiềnphong.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC