Người ta dồn nước chảy xuôi, ở đây tôi còn nghe nói họ lại bắt nước chảy ngược thì ngập là đúng rồi.
Cũng lâm cảnh cứ mưa là ngập, tại TP.HCM lần đầu tiên lãnh đạo UBND thành phố chính thức cho biết, tình trạng ngập úng là do nhiều con đường làm xong không chú ý đến hệ thống cống thoát nước.
Liệu đây có là nguyên nhân của riêng TP.HCM? Không cống nên ngập vậy có cống vì sao vẫn ngập, phóng viên báo Đất Việt đã trở lại tuyến đường được cho lần đầu tiên bị ngập chỉ sau một trận mưa tại Hà Nội.
Cống làm cao hơn đường khoảng vài chục phân. Ảnh chụp mặt đường QL6, đoạn qua Yên Nghĩa, Hà Đông
Bắt nước chảy ngược
Sau cơn mưa lịch sử đêm 24/5, suốt dọc đường Quang Trung (Hà Đông) tới khu vực gần Ba La (Hà Đông) cho tới bến xe Yên Nghĩa, kéo dài tới gần cầu Mai Lĩnh (quận Hoàng Mai) là cung đường được ghi nhận lần đầu tiên đã bị ngập sâu trong lịch sử.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực này cho thấy, dọc đường Quang Trung hệ thống cống thoát nước được xây dựng đầy đủ, tuy nhiên, chỗ thì cống bị bật lắp, đoạn lại bị cậy vỡ.
Cùng với đó là dự án đường sắt trên cao vẫn trong quá trình thi công dang dở.
Ông Nguyễn Thế Anh, ngõ Trạm điện, đường Quang Trung cho biết, "ngõ nhà ông trải nhựa cao hơn đường quốc lộ tới 50 phân mà vẫn không ăn thua. Nước ngập hết cả ngõ, tràn cả vào nhà, người dân đi lại rất khó khăn".
Ông cho biết thêm, nước cao tới quá đầu gối, có đoạn còn tới đùi người lớn. Xe máy qua là chết, xe nào thoát thì cũng bị ô tô, xe tải tạt nước ướt từ đầu tới chân.
Bản thân ông đi làm phải mặc quần đùi và mang theo quần dài dự phòng tới cơ quan để mặc.
Lý giải nguyên nhân bị ngập, ông cho biết, "nhà thì mọc san sát, dự án, khu công nghiệp bịt hết ao hồ, không còn đường thoát nước thì làm sao không ngập".
Theo ông, khu vực Xốm, trước đây chủ yếu là ruộng đồng, mỗi trận mưa nước rút rất nhanh và đổ hết ra đó.
Tuy nhiên, bây giờ người dân đã lấp hết, vượt đất làm nhà, cống rãnh thì bé lại thêm bị đất đá ở cái dự án làm mãi không xong dồn xuống, lấp hết cống, không còn đường thoát nước.
Đi thêm một đoạn nữa là những lắp cống bị bật lắp, phủ lên trên một đống từ gỗ, củi, xung quanh là những gạch đá lổn nhổn.
Cách đó không xa khoảng 50m về phía bến xe Yên Nghĩa, một cái hố khá sâu mà không ai nghĩ đó lại là cống thoát nước.
Miệng cống được cắm vội bằng mấy cọc gậy sơn trắng đỏ thêm vài cái dây buộc chằng chịt để cảnh báo người đi đường.
Có lẽ đây là điểm nối từ một con đường nhánh ra cống chính của đường Quốc lộ 6 nhưng đã bị gẫy hoặc đang thi công chưa xong.
Tương tự, suốt dọc đường bến xe Yên Nghĩa là cảnh bề bộn của công trình đang thi công dở dang, hệ thống cống thoát nước chưa được làm xong.
Trong khi đó, khu vực Yên Nghĩa lại cho thấy một cảnh tượng khá hài hước, cống cao hơn đường tới cả vài chục phân.
Ông Nguyễn Văn Hanh (42 tuổi, Yên Nghĩ) gọi đây là cái rãnh thoát nước kỳ lạ chứ không phải là cống.
Theo ông Hanh, rãnh này trước đây người ta thiết kế thấp hơn nhưng họ mới làm lại thì xây cao hơn cả mặt đường.
Tuy nhiên, đây vẫn không được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ngập úng toàn khu vực này, mà ông Hanh giải thích, đó là do tình trạng ngập úng cục bộ.
"Ngày xưa khu vực này chủ yếu là đồng ruộng, toàn bộ nước khu vực Yên Nghĩa sẽ thoát ra đồng theo một hệ thống cống ngầm nằm ngang đường QL6, vì thế, có mưa nước sẽ dồn hết xuống sống và chảy ra đồng. Không còn nước trên đường.
Bây giờ vẫn còn cống nhưng ao hồ, ruộng đồng đã bị lấp hết, dân ở xen kẹt, khu công nghiệp mọc lên, nước ứ đọng, không có chỗ thoát nên cứ mưa là bị ngập hết. Mưa to hay mưa bé cũng bị ngập", ông Hanh cho biết.
Ông Hanh còn chỉ ra một nghịch lý nữa mà chỉ ở Việt Nam mới thấy là "bắt nước chảy ngược".
Về nguyên lý dòng chảy là dồn nước từ trên cao xuống thấp, tuy nhiên, khu vực dưới thấp đã bị san lấp làm khu công nghiệp, bịt hết các cửa thoát nước nên họ lại tính chặn nước khu vực thấp để nước dâng lên và chảy ngược lại cống ở khu vực cao.
"Tôi nghe nói họ định chặn dòng chảy xuôi đường QL6 để nước dâng lên chảy ngược lên cống thoát nước giáp đê Yên Nghĩa.
Tất nhiên, đề xuất trên không được người dân đồng tình", ông cho biết.
Vì thế, theo ông, muốn thoát nước được mà không xây dựng, thiết kế một hệ thống thoát nước đồng bộ chạy từ Yên Nghĩa tới tận khu công nghiệp Đồng Mai (cách đó khoảng vài cây số) thì không bao giờ có thể tiêu được.
Thiệt hại ai chịu?
Cũng chung số phận ông Mạnh Thắng chủ một cửa hàng buôn bán cửa hoa, cửa sắt tại khu vực gần cầu Mai Lĩnh chỉ tay cho biết, "cống rãnh thế này thì thoát nước ở chỗ nào".
Nhìn theo chỉ tay của ông Thắng, tất cả là một lớp đất bụi dày đặc phủ kín cùng với những đoạn gồ ghề, lên xuống mà theo ông Thắng cho biết, đó là do xe tải, máy xúc, máy ủi chạy qua làm gãy, sập cống thoát nước.
Đoạn đấu nối bị gãy, vỡ khu vực Ba La
"Cống thì nhỏ như thế này mà máy xúc, máy ủi cứ chạy qua thì làm sao chịu nổi", ông bức xúc.
Theo sơ đồ thoát nước được ông Thắng vẽ lên cho thấy, nước đổ xuống cống, cống lại đổ xuống một hố nhỏ trước cây xăng Đồng Mai, còn nước từ hố đó chảy đi đâu thì ông Thắng cho biết, "tắc rồi".
Đó cũng là nguyên nhân khiến toàn khu vực bị ngập sâu tới quá gối gây ảnh hưởng tới việc làm ăn kinh doanh cũng như việc đi lại của người dân tại khu vực này.
"Nước ngập, tắc đường, họ đỗ đầy xe trước cửa hàng nhà tôi. Dọc hai bên là các nhà máy, công ty đều phải cho công nhân nghỉ làm vì ngập không đi được.
Thử tính, mỗi ngày lương của một công nhân là 300.000 đồng, có cả trăm, nghìn công nhân cũng đi làm như vậy thử hỏi thiệt hại là bao nhiêu", ông Thắng dẫn chứng.
Trong khi đó, tại khu vực Kim Giang, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Hữu Uyển – nguyên Viện trưởng Viện Cấp thoát nước Việt Nam (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cũng chia sẻ, gia đình ông cũng vừa trải qua chiến dịch "chống ngập".
"Đáng lẽ ra nó không đáng ngập mà khu vực này vẫn bị ngập.
Tại sao tôi nói như vậy, vì Kim Giang có vị trí cao hơn mực nước sông Tô Lịch rất nhiều nhưng vẫn ngập.
Ở đây có nguyên nhân có thể do quản lý không tốt, cống tắc, cũng có thể do hệ thống cống thiết kế không đủ công suất khiến cho toàn khu phố bị ngập", ông nói.
Theo đó, vị chuyên gia chỉ rõ, nguyên nhân gây ngập úng tại Hà Nội hay TP.HCM đều có vấn đề quy hoạch đô thị.
"Cải tạo đô thị, quy hoạch đô thị có cải tạo hệ thống cống thoát nước không? Có nâng cấp cống thoát nước không? Ngoài ra, khu vực có cống thoát nước rồi nhưng đã đủ khẩu độ, độ nghiêng và có nạo vét bùn đất thường xuyên không?
Theo tiêu chuẩn, nếu cống thoát nước có đường kính từ DN 500mm thì phải được nạo vét toàn tuyến ít nhất 1 lần/1 năm, còn cống có đường kính DN 1000-2000mm thì 2-3 năm phải được nạo vét 1 lần… chúng ta có làm thế không?
Vấn đề nữa là hệ thống cống được thiết kế thế nào? Điểm đấu nối có hài hòa, đồng nhất giữa điểm đầu với điểm cuối hay không? Đoạn đón nước có thể thiết kế rất tốt nhưng không có điểm đấu nối với cửa xả thì rõ ràng sẽ bị ngập.
Tôi lấy ví dụ, khu vực Mỹ Đình của Hà Nội là có hệ thống thoát nước khá tốt, tuy nhiên khả năng đấu nối giữa khu vực này với nhiều khu khác của thành phố vẫn còn hạn chế.
Người ta mới nói là “thượng điền tích thủy, hạ điền khan”, nghĩa là ở các con phố thì vẫn ngập úng, trong khi phía dưới nhiều con sông vẫn rất ít nước” – GS.TSKH Trần Hữu Uyển nói thêm.
Từ phân tích trên, vị GS cho rằng, để khắc phục tình trạng ngập úng không riêng gì Hà Nội mà ngay tại TP.HCM cũng cần phải rà soát lại tất các khu vực xem hệ thống cống thoát nước đã đủ, đồng bộ và có phát huy tác dụng không?
Các khu phố cũ, phố cổ mà hệ thống thoát nước lỗi thời lạc hậu cần được đánh giá lại hiện trạng và lên phương án cải tạo.
Đối với các khu đô thị mới xây dựng, cần đảm bảo thiết kế đúng quy hoạch, giám sát chặt chẽ từ việc thiết kế, xây dựng hệ thống thoát nước tránh tình trạng ngập úng trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất trong đô thị nên xây dựng hệ thống đường thoát nước mưa và nước thải làm 2 đường riêng biệt. Bởi, khi tách được 2 đường thoát khác nhau như vậy sẽ hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước cho các dòng sông và tình trạng ngập úng sẽ không còn.
Theo Lam Nguyễn
Báo Đất Việt