Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng xong 96,8km và hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư 301km đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư 14,602 tỉ USD.

1 Ha Noi Dat Muc Tieu Den Nam 2030 Co Gan 100km Duong Sat Do Thi

Tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm. Ảnh: Hữu Chánh

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin ý kiến về nội dung dự thảo "Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô".

Mục tiêu của Đề án là xây dựng kế hoạch phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư, phương án huy động nguồn vốn đến năm 2035 để hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31.3.2016 (Quy hoạch số 519) và đến năm 2045 để hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị dự kiến điều chỉnh, bổ sung trong các đồ án Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.

Thành phố đưa ra 3 phân kỳ đầu tư. Đến năm 2030, UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,602 tỉ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 2,2-2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2035, TP Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435mm. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đến sau năm 2035, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7-11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.

Đến năm 2045, TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 206,1km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.

Để đảm bảo mục tiêu, UBND TP Hà Nội cho biết, kịch bản đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô được nghiên cứu trên cơ sở 5 nguyên tắc.

Một là, xây dựng kịch bản đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên cơ sở Quy hoạch số 519 và các tuyến đường sắt đô thị dự kiến điều chỉnh, bổ sung trong các đồ án Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.

Hai là, hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo lộ trình phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của Thành phố, nhưng phải đảm bảo hình thành mạng lưới nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Ba là, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Bốn là, ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đầu mối giao thông của Thành phố như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư.

Năm là, đầu tư hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư.

Thứ tự đầu tư sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện Đề án và chuẩn bị đầu tư từng dự án, bảo đảm an toàn, hiệu quả khai thác và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nguồn: Báo Lao động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC