Chiều nay, sau hơn 3 giờ thảo luận, HĐND Hà Nội đã thống nhất khung giá đất năm 2009 theo hướng tăng giá khu vực Hà Đông, Sơn Tây. Nghị quyết bán hơn 500 biệt thự cũng đã được thông qua vào phút chót.

 

Sau 2 lần bị bác, hôm nay, UBND tiếp tục đề xuất bán trên 600 biệt thự - với một số chỉnh sửa theo hướng tăng cường quản lý, bảo tồn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ sự băn khoăn.

Theo đại biểu Vũ Đức Tân, ông không "bỏ phiếu" cho việc bán biệt thự, bởi giá trị không chỉ tính bằng tiền tỷ mà còn có giá trị lịch sử. Những biệt thự Pháp ở Hà Nội không còn nhiều, đã tồn tại sau hàng trăm năm lịch sử.

"Hoá giá biệt thự là phá sản phẩm văn hoá. Nên thay nghị quyết bán biệt thự bằng nghị quyết bảo tồn. Khi nhập với Hà Tây, chúng ta có đủ đất xây dựng nhà mới nên cần giữ lại nguyên trạng các biệt thự", ông Tân nói.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng HN, cho biết, nguyên chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên chưa trả lại thành phố ngôi biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa mặc dù thành phố đã ra quyết định thu hồi. Hiện ngôi biệt thự rộng trên 500m2 vẫn được đóng cửa, thuộc diện không được bán. Sở Xây dựng cũng chưa có phương án bố trí chỗ ở khác cho ông.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nên thành lập hội đồng định giá lại biệt thự và xây dựng quy chế quản lý cho những nhà đã bán và chưa bán.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều biệt thự đang xuống cấp, phá vỡ cảnh quan chung. Ngoài ra, một số biệt thự của Hà Nội đã bán một phần nên không thể dừng lại được. Do đó, cần thiết phải ban hành sớm quy định này.

"Qua tiếp xúc cử tri, nhiều hộ dân chỉ ở trong căn phòng 10-20m2, trong khi đó họ không được phép bán, không được cấp sổ đỏ. Do vậy, việc hóa giá rất cần thiết để người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ của dân", đại biểu Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND thành phố nói.

Sau nhiều tranh luận, HĐND Hà Nội đã thông qua nguyên tắc bán 588 biệt thự có trên 3 hộ dân đang cư ngụ. Người dân đang ở được mua theo nghị định 61, giá đất được áp theo khung giá đất năm 2004 nhân thêm hệ số. Ngoài ra, 46 biệt thự đang được các doanh nghiệp thuê thì sẽ tiếp tục cho thuê theo giá thị trường hoặc bán đấu giá. Còn lại không bán 173 biệt thự vì chúng có diện tích trên 500m2, có giá trị kiến trúc hoặc nằm tại trung tâm chính trị Ba Đình...

ảnh
Nghị quyết bán biệt thự đã được HĐND thông qua. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong chiều 10/12, khung giá đất của thành phố năm 2009 cũng được các đại biểu bàn thảo sôi nổi. Phương án của UBND thành phố là giữ nguyên giá trong nội thành Hà Nội và tăng giá tại các thành phố Hà Đông, Sơn Tây, một số tuyến đường mới mở, khu vực giáp ranh.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà, nhiều nơi giá đất 50.000 đồng một m2 mà nông dân không có tiền nộp để nhận giao đất, nếu tăng lên 200.000 đồng một m2 thì càng gây khó khăn cho dân. Do vậy, cần giảm giá đất tại các khu vực nghèo, đồng bào dân tộc để họ có điều kiện nhận đất canh tác.

Đại biểu Vũ Đức Tân cũng cho rằng, bất động sản đang đóng băng nên có thể thành phố phải đối mặt với nguy cơ thiểu phát. Do vậy, nên giữ nguyên giá đất tại Hà Nội và Hà Tây cũ như năm 2008. Đại biểu này đề nghị không thông qua nghị quyết về giá đất mới.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Văn Thành cho rằng, hiện nhiều dự án treo bởi người dân Hà Tây cũ có tâm lý chờ giá đất. Nếu không thông qua nghị quyết ngay thì sẽ có nhiều dự án tiếp tục nằm chờ.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Quang Thành đã giải trình, các tuyến đường cùng nằm trên một trục như Nguyễn Trãi và Quang Trung (Hà Đông) nhưng chênh giá nhiều, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Khung giá đất dựa theo kết quả điều tra khảo sát của các địa phương, trong sự cân đối chung cho các vùng giáp ranh như Thường Tín, Đan Phượng, Hà Đông, Sơn Tây.

"Ngoài ra, khung giá đất của Hà Tây cũ trong nhiều năm không thay đổi. Qua khảo sát các huyện đều mong muốn tăng giá đất", ông Thành nói.

Chốt lại vấn đề, Phó chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ cho rằng, sau khi Hà Nội mở rộng, không thể có chuyện đất Hà Đông thấp hơn quận Long Biên. Cùng trên một trục đường không thể giá chênh lệch nhau quá.

Cuối giờ chiều nay, HĐND thống nhất thông qua nguyên tắc nghị quyết khung giá đất năm 2009 và giao lại UBND thành phố, thường trực HĐND rà soát lại, ban hành.

Theo Đoàn Loan
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC