Kinh doanh xăng dầu: Quy định mập mờ, doanh nghiệp lợi képChưa kịp quen với mức giá xăng dầu mới, người dân đã lại thấp thỏm không yên khi các doanh nghiệp (DN) đầu mối lại chính thức đề xuất tăng thêm 1.200 - 1.300 đồng/lít đối với diesel và 700 - 800 đồng/lít cho xăng A92.

 Đành rằng “ăn theo” giá xăng dầu thế giới, DN nhập khẩu đầu mối sẽ khó có đề xuất khác ngoài việc tăng giá, khi giá xăng dầu quốc tế cứ đứng ở mức cao. Tuy nhiên, nếu cùng với lý do giá xăng dầu thế giới tăng, các bộ Tài chính và Công thương cũng công khai số lượng xăng dầu mà các đầu mối nhập khẩu đã nhập về phục vụ hoạt động của nền kinh tế, thì dư luận sẽ cảm thấy việc tăng giá đó chính đáng hơn.

Vào tuần trước, khi trao đổi với báo giới về các gian lận phổ biến qua hình thức tạm nhập tái xuất, liên quan đến mặt hàng xăng dầu, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã thẳng thắn thừa nhận, có tình trạng DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhập hàng về dưới hình thức tạm nhập, nhưng đã không xuất đi. Thay vào đó là chuyển tiêu thụ nội địa để hưởng lợi.

Điều đáng nói là, không phải tự nhiên các DN xăng dầu lại chuyển tiêu thụ nội địa những lô hàng lẽ ra buộc phải tái xuất. Với các quy định hiện hành, khi chuyển tiêu thụ nội địa, DN sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, nhưng là mức thuế suất của thời điểm khi nhập khẩu lô hàng đó, chứ không phải mức thuế suất của thời điểm chuyển tiêu thụ nội địa.

Với thực tế thuế nhập khẩu xăng dầu từ tháng 6/2012 mới tăng lên mức 12% hay việc không phân biệt được lô hàng xăng dầu nào phải tạm nhập - tái xuất, lô hàng xăng dầu nào để kinh doanh nội địa do được chứa trong cùng bồn, bình (khác với các mặt hàng tạm nhập - tái xuất khác phải niêm phong, kẹp chì, nguyên đai, nguyên kiện), sự lợi dụng của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu để hưởng lợi kép cho bản thân là điều không tránh khỏi.

Theo các công chức hải quan, khi chuyển lô hàng xăng dầu đã tạm nhập từ thời điểm cách đây vài tháng (hàng tạm nhập tái xuất thời gian qua được phép lưu lại Việt Nam 180 ngày và được chậm nộp thuế tối đa 195 ngày), DN sẽ chỉ phải nộp thuế nhập khẩu theo mức ở thời điểm tạm nhập, có thể là 0 - 5% và tính theo giá nhập khẩu thời điểm đó, thấp hơn đáng kể so với giá hiện tại. Nghĩa là, DN sẽ được hưởng lợi kép khi đề xuất tăng giá xăng dầu được chấp thuận.

Khi chuẩn bị tăng giá xăng dầu lần trước, có khoảng 220 cây xăng trong cả nước ngừng bán hàng. Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), bên cạnh những cây xăng găm hàng chờ hưởng lợi với giá mới, cũng có thực tế những cây xăng thực sự hết hàng bởi DN đầu mối không cấp và đang được đoàn kiểm tra liên ngành xác minh cụ thể.

Chính vì vậy, yêu cầu công khai số lượng nhập khẩu của DN đầu mối càng cần thiết, bởi điều đó giúp minh bạch câu chuyện có hay không DN đầu mối cũng cố tình không nhập hàng, gây tâm lý căng thẳng trên thị trường xăng dầu như một sức ép khiến các cơ quan hữu trách phải chấp nhận cho tăng giá để không đứt nguồn cung. 

Tuy nhiên, đề nghị công khai số lượng xăng dầu mà đầu mối nhập khẩu trong 10 ngày hay 30 ngày qua của báo giới để thấy được sự sẵn sàng đáp ứng của DN đầu mối, đơn vị được hưởng cơ chế độc quyền trong nhập khẩu xăng dầu, đã bị bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thẳng thừng từ chối với lý do “số liệu bí mật”.

Đáng nói là, từ bấy lâu nay, đều đặn một tháng đôi lần, Tổng cục Hải quan vẫn công bố số liệu xăng dầu nhập khẩu với khối lượng và trị giá từng mặt hàng công khai trên website chính thức của cơ quan này.

Theo Báo Đầu tư.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC