Nguy cơ tái nghèo sau tái định cưHĐND TPHCM cho biết, qua các đợt tham vấn ý kiến nhân dân đơn vị này đã nhận được rất nhiều phản ánh đời sống người dân ngày càng gặp khó khăn hơn về cả vật chất lẫn tinh thần sau khi tái định cư.

Người dân bức xúc nhiều nhất các vấn đề như: thời gian chờ đợi được tái định cư quá lâu, giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp, nơi tái định cư không giải quyết được công ăn việc làm cho người dân để mưu sinh.

 

Dân cư tại nhiều khu vực bị giải tỏa như: Thủ Thiêm (quận 2), Hàm Tử (quận 5), Thanh Đa (Bình Thạnh)… hiện đang sống tại chung cư Bình Trị Đông (quận 2). Nhưng phần lớn vẫn ngày ngày đến làm việc tại nơi mà họ đã ra đi. Tức là họ không tìm được việc làm mới ở nơi ở mới; mà phải ở nơi mới, làm nơi cũ. Điều này khiến chi phí phát sinh và tạo nhiều bất tiện trong cuộc sống.

Cuối tháng 9, tại buổi tham vấn ý kiến nhân dân quận 2, hàng chục hộ dân phường Thủ Thiêm (phường bị giải tỏa trắng) đã bức xúc vì quy hoạch treo 5, 6 năm nay mà chưa được tái định cư. Nhiều người dân sau thời gian đi ở nhà thuê mướn khắp thành phố, mất nghề cũ, không có nghề mới, tiêu dần hết tiền đền bụ lại quay về cất chòi ven sông rạch để ở, nguy cơ tái nghèo trước mắt.

Ngày 24/10, tại buổi tham vấn ở quận Thủ Đức, UBND phường Bình Chiểu báo cáo HĐND TPHCM: trong tổng số 6.000 hộ bị thu hồi đất trên địa bàn phường Bình Chiểu để xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có 20% số hộ có cuộc sống ổn định.

Vì sao? Bởi hầu hết người dân bị thu hồi đất không có trình độ, không thể xin vào làm việc ở các KCN - KCX mọc lên ngay trên đất của mình. Giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp (310.000 đồng/m2), không đủ cho họ tìm nơi ở mới. Vậy là đành đi làm thuê, ở nhà mướn, chạy xe ôm… Chỉ những ai có nhiều đất, được đền bù nhiều tiền thì mới có thể mua đất khác, xây nhà trọ, kinh doanh dịch vụ…

Ngày 4/11, tại buổi tham vấn ở quận 12, UBND phường Tân Thới Nhất thừa nhận: Sau khi tái định cư, cuộc sống người dân gặp khó khăn hơn trước cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần. Một số hộ dân phường Tân Hưng Thuận thì bất bình vì bị giải tỏa từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được nền tái định cư, cuộc sống tạm bợ rất khó khăn và ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ.

Hiện trên địa bàn quận 12 có rất nhiều dự án, như: dự án tái định cư 38 ha, dự án mở rộng Tỉnh lộ 14, dự án depot... Tính đến tháng 9/2008 thì số hộ dân bị ảnh hưởng lên đến 10.017 hộ. Do vậy, nguy cơ tái nghèo của hàng ngàn hộ dân ở quận 12 là đáng bàn đến.

Để giải quyết vấn đề này, trong một cuộc họp vào cuối tháng 9/2008, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng đã nhắc nhở các cơ quan chức năng xem lại hoạt động của Quỹ Hỗ trợ đào tạo và Giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (quỹ 156), rút kinh nghiệm và cải tiến phương pháp hoạt động hiệu quả hơn để giúp người dân ổn định cuộc sống sau khi bị giải tỏa.

Và gần đây, UBND TPHCM cũng có một số động thái tích cực để cải thiện như: thêm 10% tiền hỗ trợ bồi thường đối với đất nông nghiệp thuần; đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư trước đây được hỗ trợ thêm 40% giá đất nông nghiệp thì nay tăng lên 50%; các trường hợp bị thu hồi toàn bộ diện tích đất thì tiền hỗ trợ di dời, hỗ trợ ổn định đời sống sẽ được giữ lại để chi cho việc học, đào tạo nghề cho người dân…

Tuy nhiên, để biết được hiệu quả của các chính sách mới này ra sao cần có thời gian kiểm nghiệm. Nhưng trước mắt là hàng chục ngàn hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa trên toàn TPHCM đang đối diện với nguy cơ tái nghèo.

Tùng Nguyên

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC