Những bài học từ chuyện Nhật Bản ngưng cấp ODATrong việc Nhật dừng cấp ODA cho VN 2009, chúng ta có mất mát thể diện, có mất mát quyền lợi, nhưng dân tộc chúng ta không thể thụt lùi vì sự mất mát ấy. Chúng ta phải chống tham nhũng một cách triệt để, khoa học, toàn diện để khôi phục hình ảnh của Việt Nam và lòng tin của thế giới - Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt nhận định.

Những vấn đề nhìn thấy từ việc Nhật dừng ODA với VN

Việc người Nhật dừng ODA đối với Việt Nam là một trong những tín hiệu báo động những vấn đề nội sinh trong đời sống xã hội Việt Nam và trong xử lý đối ngoại. Tuy nhiên, trước khi đi sâu vào phân tích những vấn đề liên quan đến ODA, cần định nghĩa: ODA là gì? ODA là những khoản cho vay dài hạn lãi suất ưu đãi của cộng đồng thế giới đối với các quốc gia cần được hỗ trợ phát triển. Đối với những đất nước như chúng ta, với đời sống của người dân hiện nay, ODA là vô cùng quan trọng.

Thực chất ODA thể hiện chất lượng văn minh của thế giới hiện đại, là sự quan tâm của các nước phát triển trên thế giới đối với những đất nước còn khó khăn. Nó vừa thể hiện lòng tốt của thế giới đối với Việt Nam, vừa thể hiện sự xứng đáng của Việt Nam đối với lòng tốt của thế giới. Phải hiểu được điều kiện hai chiều này thì mới có thể có thái độ ứng xử và hành động đúng đắn với loại hoạt động này được.

Đôi khi chúng ta quên mất định nghĩa ban đầu về ODA, thậm chí quên mất điều kiện xuất phát của đời sống ở Việt Nam mà có những thái độ ứng xử và hành động gây bức xúc cho dư luận, làm tổn hại đến lợi ích và hình ảnh quốc gia.

Thứ nhất, Việt Nam mạnh dạn tuyên bố mình đã ra khỏi danh sách những nước khó khăn, với thu nhập bình quân đầu người trên 1000 đô la. Trong khi trên thực tế, đời sống của xã hội càng ngày càng khó khăn hơn trong những năm gần đây.

Nếu đã ra khỏi danh sách này, hiển nhiên Việt Nam không chỉ mất ODA của Nhật Bản mà còn mất ODA của nhiều quốc gia khác. Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc phát triển hơn Việt Nam, nhưng ở bất kỳ chỗ nào, hễ có điều kiện là những người lãnh đạo đều tuyên bố về sự khó khăn của họ. Họ vẫn luôn tự xếp mình vào những nước thế giới thứ ba, những nước đang phát triển.

Thứ hai, chúng ta sử dụng ODA như thế nào? Việt Nam với những nhu cầu cải cách từ thể chế, hành chính đến cải cách cơ cấu đời sống, xã hội, chính trị, kinh tế và đặc biệt là cơ sở hạ tầng... tất cả đều cần rất nhiều tiền. Đó là tiền để thiết kế và tổ chức ra tương lai thật sự của đất nước, mà cái đó chỉ có thể đi vay dài hạn và càng ưu đãi thì gánh nặng đè lên người dân, lên xã hội chúng ta càng ít.

Trong đó, ODA là một trong những hình thức hỗ trợ ưu đãi nhất bởi nó viện trợ cho những dự án mà danh mục của nó được thống nhất từ hai phía, từ các quốc gia viện trợ và các quốc gia nhận viện trợ, và cả hai phía cùng kiểm soát việc sử dụng. Đó là một sự nhân nhượng có tính quốc tế giữa một bên vay tiền và một bên cho vay tiền.

Đáng ra, với muôn vàn nhu cầu cần phải sử dụng ODA, Việt Nam cần phải có một bộ máy để kiểm soát rất chặt chẽ và đúng đắn việc sử dụng các khoản viện trợ. Nhưng chúng ta không có.

Sau vụ PMU18, người ta mới bắt đầu bàn đến chuyện quản lý hiệu quả các dự án sử dụng những khoản vay có tính viện trợ. Tóm lại, mặc dù là một nước có kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ sử dụng viện trợ nhưng chúng ta hoàn toàn không có bộ máy chuyên nghiệp để quản lý việc sử dụng viện trợ.

Thứ ba, là chúng ta cũng không thông báo phương thức trả nợ các khoản vay dài hạn, cho nên nhân dân không biết chính phủ đã vay những gì và kế hoạch trả nợ của chính phủ sẽ như thế nào. Và những khoản vay này dường như trở thành thành tích chính trị trong việc thực thi các chính sách đối ngoại.

Vấn đề thứ tư là chính sách đối ngoại. Khi xảy ra vụ PMU18, người Nhật đã nhân nhượng trong việc đánh giá những công trình sử dụng vốn ODA này, họ vẫn khẳng định là không có vấn đề gì. Đấy là cách người Nhật thể hiện thiện chí của họ.

Tiếp đến là vụ PCI. Sự việc xảy ra trên lãnh thổ của chúng ta, trên một món tiền chúng ta được vay, trên một dự án nằm trong danh mục phải vay tiền lâu dài để làm thì đáng ra chúng ta phải là người phát hiện cho phía Nhật những mặt tiêu cực như vậy để giúp họ quản lý tốt hơn cả nhân sự lẫn tài chính của họ. Nhưng chúng ta không làm như vậy.

Lẽ ra chúng ta phải tiếp nhận và xử lý vụ PCI với một thái độ cầu thị, bởi đây không phải là một nước thù địch tìm mọi cách chống lại lực lượng tiến bộ ở Việt Nam hay nhà cầm quyền Việt Nam, đây hoàn toàn là một nước bạn hữu. Chính phủ Nhật bắt buộc phải làm để bảo vệ uy tín của họ trước nhân dân của họ, bởi vì, ở đâu thì viện trợ cũng là tiền đóng thuế của nhân dân những nước viện trợ. Thái độ của nhân dân Nhật buộc chính phủ Nhật phải làm như thế.

Và còn một yếu tố nữa, đó có thể còn do sự không cẩn trọng trong quan hệ quốc tế. Trong những vấn đề quốc tế, những người lãnh đạo của đất nước chúng ta ở thế hệ trước vô cùng thận trọng. Đó là thời kỳ mà tất cả những cái tốt đẹp nhất mà người Việt có đều dành cho các quan hệ đối ngoại. Đến nay, dường như thái độ cẩn trọng trong quan hệ đối ngoại bỗng nhiên biến mất.

Có thể đấy cũng là một dấu hiệu của sự thiếu nhạy cảm. Có thể chúng ta còn chưa đủ tầm nhìn để ý thức rằng vận mệnh hay tương lai phát triển của chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn như thế. Có thể chúng ta chỉ xem đây là một sự việc chứ không xem đây là một vấn đề. Nếu là một sự việc thì nó khác, nhưng đây là vấn đề quan hệ quốc tế của chúng ta đối với những nước phát triển để xúc tiến tương lai phát triển của xã hội Việt Nam.

Bài học đau đớn mà mỗi người Việt Nam có tự trọng đều phải học

Nhật Bản sẽ không cắt vĩnh viễn ODA của Việt Nam. Bằng những thương thảo tiếp theo, chúng ta có thể khôi phục lại chuyện này và sẽ nhận được sự khôi phục từ phía chính phủ Nhật Bản. Nhật Bản sẽ không viện cớ này để cắt vĩnh viễn những viện trợ đối với Việt Nam.

Nhưng uy tín quốc tế của Việt Nam thì đã sứt mẻ. Đây là sự mất mát danh dự của đất nước. Sự mất mát này lớn lắm và rất khó lấy lại.

Sự việc này là kết quả khách quan của những sự bất cẩn cả về kinh tế, cả về chính trị, cả về đối ngoại, cả về văn hoá ứng xử. Và chúng ta phải phân tích hiện tượng này như một bài học đau đớn mà mỗi người Việt Nam có tự trọng đều phải học.

Bất kể là giữ cương vị gì, mỗi một người Việt Nam tự trọng đều phải phân tích việc này để rút ra các bài học. Những người ở cấp thấp, khi tham gia vào xây dựng, thi công hay quản lý những dự án ODA, qua chuyện này phải rút ra được bài học. Những người quản lý cấp cao hơn như là các cấp Bộ thì cũng qua việc này phải rút ra được bài học. Chính phủ ở cấp cao hơn nữa cũng phải rút được bài học.

Thậm chí cả cơ quan cao nhất của nền chính trị của chúng ta cũng phải rút ra được bài học. Mỗi người phải có trách nhiệm rút ra các bài học cho mình trong hiện tượng này. Xã hội Việt Nam chịu đựng một sự cố và sự cố ấy có thể mang lại rất nhiều bài học cho các tầng, các lớp khác nhau của toàn bộ hệ thống chính trị.

Hội nghị CG bế mạc với 5,014 tỷ USD cam kết vốn ODA dành cho Việt Nam năm 2009. Đó là con số cam kết vô cùng có ý nghĩa vì thực sự chúng ta cần ODA, FDI và cả kiều hối bởi thực tế đất nước đã khiến chúng ta chậm phát triển cơ sở hạ tầng, chậm cả nhận thức. Những người có  trách nhiệm điều hành đất nước trong hệ thống điều hành có hàng trăm nghìn việc phải lo nghĩ, hàng trăm sức ép, trong đó sức ép cụ thể từ thiếu vốn FDI, ODA... là rất lớn.

Hình ảnh của VN có thể xấu đi, nhưng dân tộc VN không thể thụt lùi

Việc Nhật cắt ODA sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam, nhưng không phải chỉ có một sự việc này mà gần đây có rất nhiều việc xảy ra liên quan đến hình ảnh của Việt Nam từ vụ PCI, vụ buôn sừng tê giác cho đến vụ Cộng hoà Czech không đồng ý cấp visa cho người Việt Nam, vụ chính phủ Quatar đã trục xuất và không cấp visa cho mấy trăm công nhân Việt Nam ở Quatar...

Thế giới không phải là một thể thống nhất, vì thế, hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của thế giới hay trong con mắt của các lực lượng khác nhau của thế giới vốn dĩ đã khác nhau từ trước, không phải chỉ có một màu giống nhau trong con mắt của tất cả mọi người trên thế giới về Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, những vụ ấy góp một phần nhỏ làm hình ảnh của chúng ta xấu hơn. Một phần nhỏ thôi, nhưng người Việt nhìn đấy là một sự việc lớn và cái đấy thể hiện ưu điểm của người Việt vốn dĩ nhạy cảm với những chuyện thuộc về danh dự.

Nếu trong nước mà các lực lượng xã hội thấy đau khổ, họ kêu gào, lên án những chuyện này thì đấy không phải là việc mà chúng ta cần phê phán. Thậm chí chúng ta có thể mừng, vì qua những sự kiện khó khăn như thế này, chúng ta thấy rằng người Việt Nam vẫn không mất đi một bản tính rất quan trọng của họ là tự trọng.

Những bức xúc về vụ sừng tê giác, về chuyện PCI... nếu được thể hiện công khai trên báo chí thì sẽ làm thế giới nhận ra rằng, dân tộc này, bất chấp tất cả khuyết điểm vẫn là một dân tộc tự trọng.

Mặc dù những vụ việc cụ thể này có thể làm mất thiện cảm của thế giới đối với chúng ta. Tuy nhiên, sự mất thiện cảm ấy có thể lấy lại được. Cũng như trước đây, Việt Nam đã từng là điểm đến của sự yêu mến và khâm phục trên toàn thế giới. Bất chấp sức mạnh của nước Mỹ, bất chấp quy mô khổng lồ của nước Mỹ, bất chấp quyền lợi của nước Mỹ đem lại cho nhiều điểm trên thế giới, người ta vẫn yêu mến một dân tộc gan góc như vậy.

Tình cảm của mọi loại người trên thế giới là một tấm gương để phản ánh bộ mặt của Việt Nam, và khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của chúng ta không đẹp trong một vài cái gương thì chúng ta phải sửa.

Dồn sức cho trận đánh số một: Chống tham nhũng

Thế giới sẽ không phủ nhận sự lương thiện của dân tộc chúng ta bằng vụ PCI, bằng vụ sừng tê giác...  nhưng những việc như vậy làm xấu hình ảnh của đất nước thì chúng ta cần phải khắc phục triệt để, và chính phủ cần phải có những giải pháp nghiêm khắc hơn đối với những sự việc như vậy.

Nó cũng đồng thời bộc lộ (cái bộc lộ này quan trọng hơn) những căn bệnh bên trong của cơ thể chính trị và xã hội Việt Nam. Những biểu hiện của công dân Việt Nam như buôn lậu, làm ăn phi pháp ở cộng hoà Czech, ở Ba Lan, sớm muộn tất cả các quốc gia ấy cũng sẽ tỏ thái độ. Vì cái xấu ấy diễn ra trên mọi quốc gia Đông Âu cũ chứ không phải chỉ có ở cộng hoà Czech. Người Nga cũng đã tỏ thái độ từ rất lâu rồi, trước tất cả các quốc gia châu Âu khác.

Cái đấy không phải lỗi của chính phủ, cho nên liên kết những sự việc này lại để phê phán chính phủ là không thoả đáng. Chúng ta liên kết những sự việc như thế này là để thống nhất một điều: nếu không cẩn thận thì danh dự của đất nước chúng ta sẽ mất. Những gì người Việt làm ở Đông Âu không phải là lỗi của chính phủ mà là lỗi của nền văn hoá Việt Nam, lỗi của nền giáo dục Việt Nam, lỗi của người Việt nói chung.

Còn hiện tượng cán bộ ngoại giao buôn lậu sừng tê giác thì ngành ngoại giao phải chịu trách nhiệm, ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao phải chịu trách nhiệm, ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam ở Nam Phi phải chịu trách nhiệm.

Vụ PCI thì UBND thành phố Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm, Bộ giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư phải chịu trách nhiệm. Và nếu không kiên quyết xử lý những vụ này thì Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên, đấu tranh để chống lại những hiện tượng tiêu cực đã dần dần được xã hội hoá hoặc tập thể hóa như thế này là một việc rất khó.

Trong chuyện này, chúng ta có mất mát danh dự, có mất mát sĩ diện, có mất mát quyền lợi, nhưng dân tộc chúng ta không thể thụt lùi vì sự mất mát ấy. Chúng ta đã từng "rũ bùn đứng dậy sáng loà", chúng ta đã từng đứng lên từ thân phận nô lệ và chúng ta trở thành một dân tộc không đến nỗi tồi. Tại sao chúng ta không thể đứng lên từ vụ PCI, từ vụ sừng tê giác... được?

Để khôi phục hình ảnh của Việt Nam và lòng tin của thế giới, chúng ta phải sửa mình để có danh dự hơn, để khôn ngoan hơn, để đứng đắn hơn. Chúng ta phải chống tham nhũng một cách triệt để, một cách có cơ sở khoa học, một cách toàn diện. Phải xem chống tham nhũng là trận đánh số một để khắc phục toàn bộ hậu quả của cả khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tín dụng lẫn khủng hoảng xã hội. Không có cách nào khác cả.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC