Sẽ tăng khung thuế xuất khẩu nông sảnChưa chốt lại các con số cuối cùng trong biểu khung thuế xuất khẩu nhưng về cơ bản nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ có khung thuế suất rộng hơn hiện hành. Trong đó, điều chỉnh nhiều nhất thuộc về các mặt hàng lúa gạo, than đá, dầu thô, quặng kim loại…

Sáng 22/11, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua về nguyên tắc tờ trình Nghị quyết về sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu.

Cần để dành than cho điện

Theo đề xuất của Chính phủ, những mặt hàng hiện đang chịu thuế sẽ tăng khung chịu thuế lên. Cùng đó, bổ sung một số mặt hàng không thu thuế xuất khẩu vào diện chịu thuế…

Đáng chú ý là khung thuế xuất khẩu áp dụng với ngô, lúa gạo được kiến nghị điều chỉnh lên 0 - 50%, thay vì khung 0 - 3% như hiện nay. Đa số các ý kiến của Ủy Ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không tán thành điều này vì cho rằng, việc tăng trần từ 3% lên 50% là quá đột ngột. Tăng thuế suất cũng đồng nghĩa với việc giảm thu nhập của người dân có gạo, ngô xuất khẩu.

Tăng thuế suất sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đến việc xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo, trong khi đây là mặt hàng cần khuyến khích xuất khẩu. Thêm nữa, trong trường hợp cần thiết để kiểm soát xuất khẩu mặt hàng này nhà nước vẫn còn công cụ phi thuế quan.

Với mặt hàng than, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, đây là mặt hàng không khuyến khích nên không chỉ điều chỉnh khung thuế suất mà cần có hạn ngạch.

“Nhu cầu than cho điện rất lớn, nếu ta xuất khẩu thế này về sau phải nhập khẩu than và dùng than với giá rất cao”, ông Thuận phân tích. Giải pháp thuế cao và hạn ngạch theo ông là cách tốt nhất “để dành” than cho ngành điện.

Về khung thuế suất, ông Hiền đồng tình với khung thuế suất lớn như tinh thần dự thảo. Theo ông, với những biến động nhanh của thị trường, nếu không có khung thuế lớn sẽ rất khó thích ứng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không nên để khung quá lớn.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận ủng hộ biên độ rộng vì đó là "văn minh của quản lí". Tuy nhiên, ông Thuận lại cho rằng, đặt mức sàn 0% nhiều như dự thảo vẫn không ổn và đề nghị nên để sàn cao, trần cao nhiều hơn.

Nhìn vào bảng biểu thuế, ông Thuận phân tích, cách đặt vấn đề cùng tăng thuế với gạo, ngô, hạt điều, quặng kim loại là không hợp lí. Bởi lẽ, gạo, ngô là những mặt hàng lợi thế cần khuyến khích, trong khi quặng kim loại cần phải hạn chế.

Giá xuất khẩu gạo cao sẽ áp thuế

Đáp lại những phản biện về thuế suất khẩu gạo, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng, nếu giá gạo dưới 500 USD/tấn, từ trước tới nay chưa bao giờ Chính phủ đặt vấn đề thu thuế, tuy nhiên có lúc giá gạo lên đến 900 USD/tấn, cần phải áp thuế.

Ông Ninh cũng lí giải, khi giá gạo dưới 500 USD, người nông dân lãi 70%, doanh nghiệp lãi 30%, nhưng trong trường hợp giá gạo lên đến 900 USD, 70% lợi nhuận thuộc về người thu mua. Chính vì vậy cần phải đặt ra mức thuế cao.

Về mặt hàng than, ông Ninh chia sẻ: “Đến 2012 - 2015 chúng ta phải nhập khẩu than mà giờ xuất khẩu thì vô lí”. Theo ông Ninh, ngay từ khi về đảm nhiệm Bộ trưởng Tài chính, ông đã muốn nâng thuế suất của mặt hàng này lên cao nhưng không thể làm được ngay.

Bởi lẽ, do than dành cho 4 hộ lớn trong nước là điện, giấy, xi măng, phân bón chiếm 60%, với giá bán thấp hơn bên ngoài từ 21 - 43% cho nên phải áp mức thuế suất cho xuất khẩu than thấp để có thể bù lại. Đến lúc này, do giá bán than cho giấy, xi măng, phân bón trong nước đã tăng (sau này có thể cả điện) nên tới đây có thể áp thuế cao hơn.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong điều kiện thị trường biến động để linh hoạt cần có khung rộng để điều hành. Ông cũng đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Thuận, nâng mức sàn một số mặt hàng lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về mặt nguyên tắc Nghị quyết về sửa đổi Biểu khung thuế xuất khẩu và giao cho các bên liên quan cùng làm việc với nhau, đạt sự thống nhất cao nhất trước khi trình lên lãnh đạo Quốc hội vào ngày 25/11. Dự kiến Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2009.

Cũng trong sáng 22/11, Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về mặt nguyên tắc đối với dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Theo tờ trình của Chính phủ, thuế suất đối với khai thác khoáng sản kim loại có thể áp khung 3 - 30% (hiện tại 1 - 5%), vàng 3 - 30% (hiện 3 - 30%), than 3 - 20% (hiện 1 - 3%)…

Mạnh Cường




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC