Con ăn cơm ở nhà bị bố mẹ đe nẹt và dọa dẫm? Vậy bạn chờ đợi điều gì khi con ăn ở trường?
Cách đây vài ngày, trên diễn đàn của một số hộ dân sống tại khu đô thị mới Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội đang xôn xao khi xem đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo mầm non tát xối xả vào mặt một học sinh 3 tuổi.
Được biết, đoạn clip được một phụ huynh ghi lại vào chiều 15/6 tại lớp mầm non tư thục Tuổi hoa (địa chỉ Phòng 419- CT6) thuộc khu đô thị nói trên.
Theo miêu tả của đoạn video, từ 1 phút 48 đến phút thứ 3 của đoạn clip, mặc dù bé trai ngồi ngoan ngoãn trên ghế để ăn cháo nhưng khi gần hết bát thứ nhất, cháu có trớ ra một ít ở quần. Cô giáo vừa lấy giấy lau quần cho học sinh, vừa nhanh tay kéo ghế vào góc khuất và tát liên tục vào mặt cháu bé.
Sau đó, cô giáo này còn véo tai, véo đùi của cháu bé. Và, sau những hành động mang tính “vũ lực” ấy, cô giáo này đã cho cháu bé ăn hết.
Đoạn clip trên hiện đang khiến cha mẹ phẫn nộ, bất bình và một lần nữa, vấn đề bạo hành trẻ mầm non, vốn không hề mới, lại được dư luận mang ra mổ xẻ.
Cô giáo tát liên tục vào mặt cháu bé trong giờ ăn ở lớp mầm non tư thục Tuổi hoa thuộc khu đô thị Tứ Liên.
Trên các diễn dàn mạng, hàng nghìn bậc phụ huynh thi nhau chia sẻ những bài viết về dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành, lên án trường mầm non tư thục, những cơ sở trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động, người làm công việc chăm sóc trẻ thường không được đào tạo chuyên môn bài bản, không có kiến thức về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức về sự phát triển tâm lý trẻ… dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ em.
Chúng ta đổi lỗi cho nhà trường, xã hội và giáo viên mà quên đi một phần lớn lỗi lầm, hoá ra cũng lại do chính những bậc làm cha, làm mẹ khi vô tình đẩy con mình vào tình huống dễ bị bạo hành. Tại sao nguyên nhân của hầu hết những vụ cô giáo mầm non đánh trẻ đều là do mất bình tĩnh khi đang cho trẻ ăn? Tại sao thời điểm xảy ra bạo hành, luôn là trong những giờ ăn của trẻ tại trường mầm non? Đã có ai từng đặt câu hỏi?
Clip ghi tại giờ ăn trưa trường mầm non tư thục Nụ Cười Xinh, địa chỉ 47/63/33 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (ảnh cắt từ clip)
Những hình ảnh kinh hoàng gây chấn động dư luận trong giờ ăn trưaởcơ sở mầm non tư thục Phương Anh.
Có rất ít hoặc hầu như không một ai, lên án hay chỉ ra lỗi sai thuộc về chính những bậc làm cha, làm mẹ. Bài viết của chị Hà Chũn – đồng tác giả hai tập sách Nuôi con không phải là cuộc chiến và Ăn dặm không phải là cuộc chiến, đăng tải cách đây đã khá lâu nhưng đến nay vẫn còn nóng hổi, mang đến cho nhiều người một góc nhìn mới về những vụ việc bạo hành trẻ mầm non diễn ra thời gian gần đây. Có thể sự tàn nhẫn bắt đầu từ phía cô. Nhưng có thể mầm mống của vấn đề, thực sự sâu xa không nằm ở đó.
Làm cha làm mẹ, hãy tự hỏi mình đã chuẩn bị gì cho con khi đi lớp. Hãy nhắm mắt lại suy ngẫm một chút về bữa ăn của bé ở nhà?
Con có bị ăn thụ động không? Con đã tự biết ăn, thích ăn không? Nếu câu trả lời là không, nghĩa là đến trường con sẽ cần cô giúp, cô bón, và ăn trong miễn cưỡng dưới sự chỉ đạo của cô giáo.
Ở nhà con có cần một người chuyên múa may tán thưởng khi ăn không? Nếu có, đến trường cha mẹ kỳ vọng một đội văn nghê chuyên khen các cháu há mau, nuốt nhanh ăn giỏi?
Con có cần iphone, ipad, TV để con dỗ con ăn không? Nếu có, cha mẹ có nghĩ ở trường có TV dỗ các con ăn không?
Con có cần ăn rong không, ra sân chơi để ăn? Nếu có, bạn có nghĩ cô giáo sẽ mời con ra sân vừa chơi vừa ăn?
Con ăn cơm ở nhà có bị bố mẹ quát nạt, đe nẹt và dọa dẫm? Nếu có, con sẽ quen phải bị dọa dẫm mới chịu nuốt thức ăn, ăn đi kèm với sợ hãi? Vậy bạn chờ đợi điều gì khi con ăn ở trường?
....
Ở nhà, chỉ một đứa trẻ biếng ăn đã làm ta sôi máu nóng gan thì hãy tưởng tượng cô giáo, những người không là cha mẹ của con mình, hàng ngày tiếp xúc với hàng chục đứa trẻ như thế, họ sẽ cảm thấy thế nào”
Theo Khám Phá