Bị khuyết tật hai tay, hai chân, anh Phương không thể làm giấy tờ tùy thân. Bố tai biến nằm viện, anh vội ra sân bay muốn về quê, nhưng giấy tờ không có, tiền không đủ...

1 Tam Ve May Bay Cho Chang Trai Khuyet Tat Ve Tham Bo

Anh Phương mua vé về quê thăm bố bị tai biến nằm trong viện.

19h30 tối 28/5, anh Nguyễn Quốc Phương, 29 tuổi, trú tại TP HCM, đang bán vé số thì nhận tin bố tại quê nhà Kim Động, Hưng Yên, bị tai biến. Mẹ và em anh đã túc trực sẵn trong bệnh viện. Sau khi thu xếp công việc, trong ngày cuối cùng của tháng 5, anh Phương vội ra sân bay Tân Sơn Nhất, dự định hỏi chuyến bay sớm nhất về quê.

Anh Phương là người khuyết tật 2 bàn tay và 2 bàn chân, nhiều năm trước gặp khó khăn làm chứng minh nhân dân nên không có giấy tờ tuỳ thân. Đứng trước quầy vé, khuôn mặt khắc khổ, anh nài nỉ nữ nhân viên: "Ba em bị tai biến, em cần về Hưng Yên gấp".

2 Tam Ve May Bay Cho Chang Trai Khuyet Tat Ve Tham Bo

Bàn tay của anh Phương bị cụt ngón nên không thể làm giấy tờ tùy thân.

Nữ nhân viên quầy vé Lương Thị Thu Thảo từ chối do hành khách không có giấy tờ. Nghe vậy, mặt anh Phương buồn hẳn.

"Hồi trước vào TP HCM, em đi xe khách, không có tiền đi máy bay đâu. Nhưng bây giờ dịch bệnh, xe khách không được hoạt động, em mới buộc lòng phải đi máy bay. Ba bị tai biến, đang mong em về".

Nghe anh Phương nói, Thảo mủi lòng, sang hỏi trưởng ca là anh Nguyễn Đoàn Trí, nhờ giúp đỡ hoàn cảnh khuyết tật.

Anh Trí chụp lại giấy chứng nhận khuyết tật của anh Phương do UBND xã cấp, trình bày với đại diện an ninh sân bay Tân Sơn Nhất. Biết là rất khó, nhưng chỉ một tia hy vọng, anh vẫn thử.

"Được, em!". Câu trả lời đồng ý ngắn gọn nhưng ấm áp của an ninh sân bay khiến tôi mừng vui vô cùng!", anh Trí nhớ lại.

3 Tam Ve May Bay Cho Chang Trai Khuyet Tat Ve Tham Bo

Trong người anh Phương chỉ còn 350.000 trong khi giá vé về Hà Nội 900.000 đồng.

Khi giấy tờ đã xong xuôi, Thảo làm thủ tục xuất vé máy bay cho anh Phương. Anh chững lại, hỏi: "Vé nhiều tiền không em?". Báo giá thấp nhất trên hệ thống khi đó cho chuyến bay TP HCM - Hà Nội là 900.000 đồng.

Anh Phương khó nhọc vét từng tờ tiền lẻ trong túi, vừa tròn 350.000 đồng, là toàn bộ "gia tài" bán vé số của anh.

3 năm nay kể từ ngày đặt chân vào TP HCM, anh vất vả đi bán vé số dạo mưu sinh. Còn thiếu hơn nửa, anh nhờ nữ nhân viên quầy vé giữ hộ số tiền, tính bắt xe ôm về quận 7 vay bạn.

Tuy nhiên, chuyến bay cuối cùng trong ngày của hãng sẽ khởi hành lúc 17h30. Quãng thời gian về quận 7 rồi quay lại sân bay, chắc chắn sẽ bị lỡ chuyến. Thảo và anh Trí quyết định cùng mọi người bù khoản tiền thiếu cho hành khách đặc biệt này.

"Mấy người chúng tôi, mỗi anh em một ít, gom đủ vé bay cho anh, còn dư một chút cũng nhét thêm vào túi anh làm lộ phí về quê từ sân bay Nội Bài. Sau khi thanh toán tiền vé máy bay, tôi đưa anh sang quầy làm thủ tục", anh Trí kể.

4 Tam Ve May Bay Cho Chang Trai Khuyet Tat Ve Tham Bo

Nhờ mọi người anh Phương mua được vé về quê.

Nhận vé rồi hướng dẫn lên phòng chờ, anh Phương tần ngần một lúc rồi xin tên những nhân viên đã giúp đỡ, bịn rịn nói lời cảm ơn.

"Anh ấy mừng và muốn khóc", Thảo nhớ lại.

19h30 tối 31/5, anh Phương đáp xuống sân bay Nội Bài. 2 tiếng sau, anh về đến nhà, cất đồ đạc, trong lòng bồn chồn. Sáng 1/6, anh vào bệnh viện, được biết tình hình của bố đã đỡ hơn, anh thở phào.

Anh sẽ ở nhà chăm sóc ông, chờ đến ngày tình hình Covid-19 tại TP HCM ổn định sẽ vào lại. Thời gian tới, anh sẽ ra UBND xã xin cấp căn cước công dân, hoàn thiện giấy tờ tuỳ thân.

"Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các anh chị hãng bay đã lo lắng và hỗ trợ để tôi nhanh chóng được về bên người thân", anh Phương nói.

Đăng Khoa




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC