Khi đi kiểm tra địa bàn, đội Cảnh sát môi trường, CAQ Hoàng Mai đã phát hiện 1 cơ sở sử dụng axit sunfuric, soda trong quá trình tẩy rửa bình nước
Cơ sở đó là Công ty đầu tư công nghệ và thương mại quốc tế Thiên Nhu, tại tổ 2 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo đó, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này sản xuất 3 nhãn hiệu nước gồm Fancy, Miru và Lavijoy.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mới xuất trình đăng ký kinh doanh, không xuất trình được giấy cam kết bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa đăng ký nhãn mác và sử dụng bao bì và không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vỏ bình cũng được tẩy rửa bằng cách thủ công, không được khử trùng. Ảnh: ANTĐ
Chủ cơ sở là Phan Văn Trung (33 tuổi) ở Sung Yên, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An. Anh Trung cho biết, cơ sở mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2016.
Hệ thống lọc, chứa nước anh Trung mua lại từ chủ cũ. Nước được hút giếng khoan qua quá trình tẩy lọc sẽ được cơ sở này đóng bình, dán tem nhãn bằng phương pháp thủ công rồi đem đi tiêu thụ tại các đại lý.
Điều đáng nói, chủ cơ sở này khai nhận có sử dụng axit sunfuric và soda để ngâm tẩy nắp bình, người thực hiện quy trình tẩy rửa này là một công nhân tại xưởng, không hề qua trường lớp đào tạo, chỉ ngâm tẩy hóa chất theo… kinh nghiệm.
Nắp bình được tẩy rửa qua soda và axit sunfuric. Ảnh: ANTĐ
Trung tá Phạm Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trưởng – CAQ Hoàng Mai cho biết, việc cá nhân không qua trường lớp đào tạo, tùy tiện sử dụng axit sunfuric, soda trong quá trình sản xuất thực phẩm như thế này là rất nguy hiểm, bởi sau khi ngâm tẩy, dù rửa qua nước cũng rất khó có thể xử lý hết các chất này khỏi vỏ bình.
Do vậy, Đội Cảnh sát môi trưởng, CAQ Hoàng Mai, đã lấy mẫu nước ngâm tẩy đi kiểm nghiệm.
Còn nhớ, trước đó, các cơ quan chức năng TP.HCM cũng kiểm tra một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình và phát hiện những cơ sở này đã sử dụng nguồn nước ô nhiễm, xử lý qua quýt bằng phương pháp thủ công.
Tại cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện chủ cơ sở dùng nguồn nước giếng khoan để đóng bình, sau đó xử lý qua loa bằng máy lọc than hoạt tính rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó khảo sát mới đây với gần 200.000 giếng khoan tập trung ở các quận 9, 10, 11, 12, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và Tân Phú cho thấy nước có hàm lượng nitơ cao.
Tại Gò Vấp, hàm lượng nitơ đã vượt tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống và bị nhiễm vi sinh gây các bệnh tiêu hóa.
Thế nhưng nguồn nước này đã được sử dụng để làm nước uống tinh khiết, nước đóng bình, đóng chai mà không qua hệ thống lọc xử lý vi trùng và tia cực tím.
Theo Sở Y tế TPHCM, qua kiểm tra 70 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai, 27 cơ sở không đảm bảo vệ sinh với hơn 20 mẫu nước nhiễm vi sinh.
Tại Cty sản xuất nước T.Đ. trên đường Nguyễn Thái Bình, quận 1, nhãn hiệu nước đóng bình Aquaphar nhiễm Pseudomonas aeruginosa - một loại vi trùng gây bệnh mủ xanh rất nguy hiểm. Sản phẩm nước uống của hàng chục cơ sở khác nhiễm vi sinh gây tiêu chảy…
Điều đáng nói điểm đến của số nước đóng bình, đóng chai này lại là các trường học, công ty trong khu công nghiệp và các hộ dân.
Thùy Dung (Tổng hợp)