"Tháng rưỡi vừa rồi, chất lượng dự báo thời tiết chưa đảm bảo, chúng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nói ra câu này cũng đau lắm, nhưng phải nói với bà con là chúng tôi đã làm hết khả năng và trách nhiệm", Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Bùi Văn Đức trao đổi với báo chí chiều 18/11.

- Ông giải thích gì về một số dự báo sai gần đây, nhất là trận mưa kỷ lục và sau đó là mưa bổ sung tại Hà Nội?

- Trung tâm có 3 mô hình dự báo thời tiết, ngoài ra còn tham khảo mô hình của Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản. Về dự báo trận mưa lụt vừa qua tại Hà Nội, tôi theo dõi rất kỹ. Trận mưa này hình thế đơn giản, không có dấu hiệu nguy hiểm. Các trung tâm dự báo khu vực đều không dự báo được Hà Nội mưa đến 600 mm, Việt Nam cũng vậy. Trong một loạt mô hình thì duy nhất có mô hình MM5 dự báo mưa 118 mm, song vì nó từng nhiều lần sai, nên đã không được quan tâm đúng mức.

Dự báo mưa định lượng (mưa bao nhiêu mm, ở đâu, xảy ra vào thời điểm nào) thì không chỉ Việt Nam mà nhiều nước chưa làm được. Mưa ở từng vĩ độ khác nhau, vĩ độ càng cao thì càng dễ dự báo. Việt Nam ở vĩ độ thấp, dự báo khó. Vì thế dự báo mưa hiện nay chỉ định tính, tức là có hay không, hoặc hơn định tính một tý là có mưa, mưa vừa, mưa to, rất to. Khi giao ban phòng chống lụt bão, buộc chúng tôi phải dự báo mưa 50 hay 100 mm để chuẩn bị đối phó. Nhiều lúc đúng, nhưng thực sự chưa có cơ sở khoa học.

Ngoài mưa định lượng, còn những hiện tượng ta bó tay như dự báo lũ quét, dông, tố, lốc.

TGĐ Trung tâm khí tượng: Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm
10 ngày sau trận mưa kỷ lục đêm 30 và ngày 31/10, phường Tân Mai, Hà Nội vẫn bị ngập nặng. Ảnh: Hoàng Hà.

- Tại sao trong các bản tin thời tiết, Trung tâm chỉ đưa ra các dự báo chung chung, không chi tiết từng khu vực?

- Tôi dự báo Hà Nội mưa rải rác, và thực tế khu vực nhà tôi có mưa, khu vực khác lại không. Trong trường hợp như thế tôi nên nói thế nào? Bão, áp thấp ở ngoài biển Đông, chưa biết vào đâu thì làm sao nói chính xác chỗ nào có mưa, chỗ nào không. Khi chúng đang ở xa thì dự báo mưa là bất lực. Câu này nghe có vẻ phản cảm, nhưng thực tế là vậy. Khi nào bão, áp thấp vào bờ rồi thì tôi mới nói được chính xác.

Hệ thống dự báo của ta chia làm 3 mức. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo nền cho cả nước. 9 đài khu vực dự báo cho từng khu vực. Từng tỉnh thành thu nhập thông tin và dự báo chi tiết hơn cho tỉnh mình. Trung ương không thể dự báo chi tiết cho từng tỉnh.

- Đã có những đầu tư lớn về công nghệ, thiết bị cho ngành khí tượng thủy văn, vậy tại sao vẫn dự báo sai?

- Vài năm gần đây, Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường có đầu tư cho Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia rất nhiều, nhưng so với các nước thì còn thua xa. Ở các nước, cơ bản các trạm quan trắc của họ là tự động, tự đo và tự truyền tin. Mật độ trạm quan trắc dày hơn ta, thiết bị tốt hơn, xử lý thông tin nhanh chóng. Con người của họ được đào tạo bài bản, lương rất cao.

Còn của ta, các trạm quan trắc khí tượng thủy văn đều bằng thiết bị truyền thống, rất ít tự động, mật độ lại thưa, phải 30-50 km, thậm chí 100 km mới có một trạm. Nếu quan trắc và truyền tin tự động cho phép ngay lập tức biết thời tiết ở Vũng Tàu hiện nay thế nào, nhưng của ta thì phải quan trắc ít nhất 15 phút, rồi phải biến cái ấy thành bức điện báo ra Trung tâm ngoài Hà Nội. Sau đó Trung tâm phải dịch, đưa lên bản đồ. Tổng thời gian ít nhất phải 30 phút.

Về hệ thống rada thời tiết, ta có 6 trạm, nhưng nhiều trạm Liên Xô giúp mình từ năm 1989, đến nay hoạt động phập phù. 3 rada của Pháp thiết bị thay thế không có do bạn không còn sản xuất. Chỉ có rada mới của Nha Trang, TP HCM của Mỹ hoạt động tương đối tốt.

- Ông nhìn nhận thế nào về năng lực đội ngũ dự báo viên hiện nay?

- Thực sự chúng tôi đang hẫng hụt dự báo viên. Lớp dự báo viên có kinh nghiệm như chị Dương Liên Châu, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, mấy năm nay về hưu gần hết. Lớp kế cận có một vài người được cất nhắc lên làm lãnh đạo và gần như phải trực 24/24h. Một ngày chia làm 3 ca dự báo, ít nhất mỗi ca 5 người, trong đó chỉ một người tương đối có kinh nghiệm, còn lại đều là nhân viên mới, ít kinh nghiệm, đang được đào tạo gấp.

Thời của chúng tôi toàn học chuyên Toán, thi ĐH diện điểm cao mới được nhà nước chọn vào học ngành khí tượng thủy văn. Sau đó, chúng tôi được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Hồi đó, mỗi năm Trung tâm có khoảng 10-15 người đi nghiên cứu sinh ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt ở Nga về. Bây giờ thì đầu vào ĐH, CĐ của ta rất khó thu hút học sinh giỏi. 2-3 năm chưa chắc được một người đi nghiên cứu sinh. Lý do là thu nhập thấp (ngoài lương cơ bản, dự báo viên chỉ được phụ cấp 10%, không có thêm khoản gì), thế nên không giữ chân, không thu hút được cán bộ giỏi.

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân khiến dự báo chưa đáp ứng yêu cầu là con người. Còn thiết bị thì theo như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói nước mình còn nghèo, nhưng sẵn sàng đầu tư cho ngành khí tượng thủy văn hiện đại. Nhưng phải có con người có năng lực thì mới khai thác hiệu quả thiết bị mới. Cái này cần có lộ trình.

TGĐ Trung tâm khí tượng: Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm
Ông Bùi Văn Đức: "Dự báo sai chúng tôi cũng đau lắm". Ảnh: Hồng Khánh.

- Vậy ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của Trung tâm trong việc dự báo sai?

- Tôi là tổng giám đốc và liên tục trực chiến cùng anh em dự báo. Đúng là có các dự báo viên không đủ minh mẫn để mà xử lý vấn đề. Cho nên việc tham khảo, phân tích thông tin cũng còn những lúc sơ suất. Tôi đã phê bình, nội bộ có mổ xẻ. Về phía tôi, người làm công tác quản lý, đặc biệt phê bình những ai vô trách nhiệm. Còn anh đã làm hết trách nhiệm mà vẫn sai thì cũng giống hiện tượng bệnh nhân nặng quá, bác sĩ mổ vẫn gây chết người. Trường hợp ngoài sức của người ta mà kỷ luật thì có lẽ phải kỷ luật hết, chẳng còn ai làm dự báo nữa.

- Sắp tới, Trung tâm có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng dự báo?

- Mỗi lần thất bại chúng tôi rút ra được bài học. Ví dụ với mô hình dự báo mưa nhiều lần sai, nhưng lần vừa rồi lại đúng thì bài học rút ra là bất kỳ thấy dấu hiệu bất thường nào phải lật đi lật lại, mang ra phân tích xem có lý hay không. Từng cá nhân, từng bộ phận và cả trung tâm phải rút kinh nghiệm bằng hội nghị dự báo sắp tới.

Riêng về dự báo mưa, tôi đã chỉ đạo thành lập hẳn một bộ phận chuyên trách, chấp nhận dự báo sai, nhưng để tích lũy kinh nghiệm phục vụ thủy văn. Đây là bài toán chúng tôi tập trung nghiên cứu và kêu gọi tất cả nhà khoa học đóng góp sức mình.

Về mặt thiết bị, chúng tôi đang xây dựng mới trạm rada ở Đông Hà (Quảng Trị) khoảng sang năm đi vào hoạt động, và một trạm ở đỉnh đèo Phadin, cỡ 2 năm nữa khai thác được. Hiện có mấy dự án chuẩn bị đầu tư nâng cấp các rada. Trong vài ba năm tới thì hệ thống rada thời tiết sẽ được hiện đại đáng kể. Nếu nó hoạt động tốt thì hỗ trợ lớn cho dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo lượng mưa.

- Ông nghĩ sao sau những lần dự báo không chính xác, nhiều người giảm niềm tin vào các bản tin thời tiết?

- Nhà tôi ở Nam Đồng (Hà Nội) vừa qua cũng bị ngập, máy bơm bị cháy, nền nhà nước vào 20 cm. Bà con xung quanh quý tôi, nhưng hôm ấy nhiều người rất bức xúc. Tôi đã giải thích dự báo định lượng mưa là khó. Không ai muốn dự báo sai, dự báo sai đau lắm, không ngủ được.

Tôi đánh giá các dự báo viên có thể chưa đồng tình, nhưng đúng là một tháng rưỡi vừa rồi chất lượng dự báo chưa đảm bảo, bản thân chúng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Cái này rất đáng tiếc. Nói ra câu này cũng đau lắm, nhưng phải nói với bà con là chúng tôi đã làm hết khả năng và trách nhiệm của mình. Chúng tôi rất chia sẻ với thiệt hại của người dân, sắp tới sẽ tăng cường lực lượng cho các đơn vị dự báo, cả về quản lý, chuyên môn để khai thác thật tốt thiết bị được nhà nước trang bị, để ra những bản tin chất lượng hơn.

Hồng Khánh
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC