Chủ tịch Heineken châu Á Thái Bình Dương - Frans Eusman cho biết hãng đang đổ tiền vào Việt Nam-thị trường có khả năng sinh lời lớn thứ 2 cho họ.
Heineken nhận định Việt Nam là động cơ tăng trưởng chính của hãng tại châu Á - Thái Bình Dương, trong khi họ ngày càng khó có lợi nhuận từ châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
"Chúng tôi rất tự hào về những gì mình có thể tạo ra", Eusman cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, "Khi mới vào Việt Nam, chúng tôi chỉ có một nhà máy rất nhỏ. Giờ chúng tôi đã là hãng bia lớn thứ 2".
Trước đó, cũng liên quan đến vấn đề này, theo thông báo của Heineken hôm 10/2 cho hay lợi nhuận ròng của hãng trong năm 2015 đã tăng 25% lên mức 1,89 tỉ euro so với mức 1,52 tỉ euro của năm 2014.
Thông báo trên nói doanh thu và lợi nhuận của hãng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016 dù “môi trường bên ngoài ngày càng khó khăn”.
Chuyên gia phân tích Javier Gonzalez Lastra ở Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định: “Việt Nam là thị trường mà Heineken ghi nhận đang tăng trưởng.
Trung Quốc đang thay đổi và tôi không chắc chắn đây là thị trường sôi động trong năm 2016 nhưng thị trường Việt Nam và các nước Đông Nam Á chắc chắn vận hành tích cực”.
Ông Michel de Carvalho, chủ sở hữu thương hiệu bia Heineken, trong một lần gặp gỡ báo chí cũng tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tiêu thụ nhãn hiệu bia này tại Việt Nam
Ông cho biết trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu này, chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt. Và dự báo VN sẽ trở thành thị trường tiêu thụ bia Heineken... lớn nhất thế giới!
Trong khi đó, trong số hơn 3 tỉ lít bia đã được tiêu thụ trong năm 2013 tại VN, các thương hiệu bia nội chủ yếu giữ được phân khúc giá trung bình trở xuống.
Trong một diễn biến có liên quan, cách đây không lâu, Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) hôm 9/5 đã gửi công văn nêu các kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công Thương về công tác quản lý vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), nơi mà Bộ này đang đại diện tới gần 90% và 82% /vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, cho rằng Sabeco và Habeco thực hiện cổ phần hóa được hơn 8 năm. Trong đề án cổ phần hóa của Sabeco và Habeco đều nói rõ gắn với việc niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng các tổng công ty này đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết.
Theo ông Hải, việc trốn tránh niêm yết, cử người không đủ năng lực làm người quản lý vốn nhà nước hay lợi ích cục bộ… làm yếu kém công tác quản trị doanh nghiệp và làm giảm giá trị doanh nghiệp, thậm chí đẩy dần doanh nghiệp vào tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ.
Bên cạnh việc thúc đẩy niêm yết cổ phiếu, theo VAFI, Bộ Công Thương nên nhanh chóng kiến nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm gia tăng tối đa giá trị tại các doanh nghiệp này. Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá. VAFI tính toán số tiền thu thoái vốn tại Sabeco và Habeco có thể đạt trên 3 tỉ USD.
Thanh Giang (Tổng hợp)