Vịnh Nha Trang là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nên nếu muốn xây dựng dự án nào cũng đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng.

 

Đừng đánh mất những giá trị thiên nhiên ban tặng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa xem xét đề xuất đầu tư “Khu du lịch bảo tồn sinh thái biển Hòn Mun” trong khu Bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam tại đảo Hòn Mun trong vịnh Nha Trang.

Cụ thể, dự án khai thác đầu tư được đề xuất xây dựng trên đảo Hòn Mun cùng 30.000m2 mặt nước biển tiếp giáp thuộc vùng lõi của khu Bảo tồn biển, là vùng bảo vệ nghiêm ngặt của danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 19/4, KTS Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa, Nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết: "Hòn Mun vẫn được đánh giá là một trong những hòn đảo thơ mộng nhất trong hệ thống đảo của Nha Trang, có diện tích chừng 1,2 km2.

Đây cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của cả nước, đã được Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đánh giá là khu vực đa dạng sinh học biển bậc nhất ở Việt Nam.

Từ năm 2001, Khu bảo tồn biển Hòn Mun ra đời bao gồm các đảo như Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm, Hòn Nọc và vùng nước xung quanh.

Diện tích khoảng 160km2 bao gồm khoảng 38 km2 mặt đất và khoảng 122 km2 vùng nước xung quanh các đảo. Đây là khu bảo tồn biển duy nhất tại Việt Nam hiện nay.

Xây khu du lịch bảo tồn biển: Đã phá hết rồi... - 0

Đảo Hòn Mun (vịnh Nha Trang)

Dưới đáy biển, ở độ sâu 10m, Hòn Mun là nơi tập trung và phát triển của nhiều loại san hô và các loài cá cảnh sống theo rạn san hô đủ màu, đủ sắc tạo thành một quần thể sinh vật biển đa dạng.

Chính vì những điều kiện tự nhiên tuyệt vời như vậy, lâu nay, Khánh Hòa vẫn đầu tư nhiều vào đó để gìn giữ khu bảo tồn biển này. Không cho xây dựng bất kỳ một công trình nào phục vụ du lịch trên đảo, các tour du lịch đến đây cũng chỉ ngắm san hô với các dịch vụ lặn, rồi chiêm ngưỡng cảnh quan quanh đảo là chính".

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, lâu nay đây được coi là bờ biển, là tài sản chung của cả nước, người dân đã lên đó sinh sống, khai thác du lịch thì dứt khoát sẽ ảnh hưởng, không ai có thể chối cãi, chắc chắn sẽ ô nhiễm những vùng biển lân cận.

Lâu nay, tại khu vực đảo này, Khánh Hòa không cho nhiều du khách lên đảo chỉ đi vòng quanh rồi đi về, lặn ngắm san hô, chứ không cho xây dựng nhà hàng, khách sạn. Vì nếu có hoạt động thì sẽ đem các phế thải ra đảo, xử lý không tốt thì sẽ dẫn đến ô nhiễm, làm xáo trộn môi trường sống của san hô và nhiều loại thủy sinh khác.

"Quan điểm của tôi, tôi nghĩ rằng bởi vì xung quanh Hòn Mun đã có các đảo mà hiện nay Tập đoàn VinGroup đã mua toàn bộ, hơn 70 hộ dân đã vào đất liền sinh sống, còn họ sẽ làm khu du lịch lớn ở đó. Vậy thì làm sao Hòn Mun phải làm khu du lịch sinh thái biển làm gì?.

Tôi nghĩ rằng hòn đảo này diện tích quá nhỏ, nếu để cho các nhà đầu tư xây biệt thự, xây khách sạn, tất nhiên sẽ phải cày bừa các khu đất đó, ảnh hưởng môi sinh của san hô, theo tôi, hãy bảo tồn nguyên trạng hòn đảo này, đừng đánh mất những giá trị quý báu mà thiên nhiên ban tặng", ông Lộc nói.

Hòn Tằm, Hòn Tre đã bị đánh mất

Trước đó, theo ông Lộc, có rất nhiều hòn đảo của Nha Trang đang dần bị mất đi những giá trị thiên nhiên vốn có, do việc khai thác du lịch, như Hòn Tằm, Hòn Tre, toàn nhà hàng, khách sạn lớn được xây dựng.  

Có thể hiện nay ảnh hưởng chưa thấy rõ, nhưng màu xanh của biển sẽ dần mất đi, vì thế, việc khai thác nhiều là không nên.

"Môi trường thiên nhiên của Hòn Tằm hiện nay đã bị mai một đi quá nhiều, tôi cũng khó hiểu khi hiện nay các nhà quản lý không nhìn thấy sự mai một đó, tiếp tục cấp phép cho đầu tư hàng loạt các dự án khai thác du lịch khác trên các đảo tự nhiên trong vịnh Nha Trang.

Như chúng ta đều thấy, nhà đầu tư nào cũng muốn tìm những chỗ độc đáo nhất để khai thác, tìm kiếm lợi ích, vì nó rất có lợi cho doanh nghiệp, nhưng không có lợi cho cộng đồng, cho một tài sản của đất nước.

Đặc biệt, hiện nay, có rất nhiều dự án đang triển khai ở vịnh Nha Trang, 2 dự án Nha Trang Sao, Ana Marina đã được Bộ VHTT&DL chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2012 và 2013.

Điều đáng nói, dự án Ana Marina ngày 24/10/2011 được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng đơn vị chủ quản danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang là Bộ VHTT&DL chưa có ý kiến đồng thuận. Trong khi đó, Công ty Focus Travel đã đổ đất đá xuống vịnh.

Cùng với đó, hàng loạt các công trình xây dựng ở bãi biển ngay gần trung tâm thành phố vừa qua cũng đã nhận nhiều sự phản đối.

Đã nhiều lần tôi nhấn mạnh, biển Nha Trang là tài sản của quốc gia chứ không phải của riêng tỉnh Khánh Hòa, cho nên nếu muốn xây dựng bất kỳ dự án nào phải có ý kiến của Bộ VHTT&DL, Cục di sản văn hóa và các nhà đa dạng sinh học", ông Lộc phân tích.

Theo ông Lộc, hiện nay không chỉ có mỗi Hòn Mun là đảo đẹp, mà còn rất nhiều hòn đảo khác có thể khai thác, không có lý do gì phải ra lấy đảo Hòn Mun mà làm du lịch.

Trong khi, Nha Trang còn nhiều nơi chưa khai thác được hết, thì nên để dành riêng đặc thù cho nó, vì đã xây dựng lên thì sẽ tàn phá thiên nhiên vốn có. Cụ thể, Khánh Hòa hiện nay còn có vịnh Cao Phong và nhiều hòn đảo trong vịnh vô cùng đẹp, nó có thể trở thành tiềm năng, là trung tâm du lịch của cả nước.

Thậm chí, nhiều nhà khoa học cho rằng cần phải có quy chế đi kèm với việc bảo tồn và phát triển di sản vịnh Nha Trang. Chính vì chưa có quy chế nên toàn bộ các dự án đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không phải địa phương muốn làm gì thì làm.

Hiện nay, trong quy định luật pháp cũng nói rất rõ, di sản thiên nhiên quốc gia thì phải bảo tồn nguyên trạng, nhưng cụ thể thể hiện bằng quy chế thì không có.

Châu An/ Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC