'Vừa tỉnh giấc, chúng tôi bỗng nghe loa phóng thanh ký túc xá phát tin quân bành trướng Trung Quốc đã nổ súng ở biên giới phía Bắc ngày 17-2-1979. Mọi người bàng hoàng, căm phẫn'.

42 1 Hang Ngan Sinh Vien Dao Dap Chien Hao Bao Ve Thu Do

Sinh viên ngữ văn K23 rời Hà Nội lên phòng tuyến sông Cầu - Ảnh: TRIỆU TUẤN

Hàng ngàn sinh viên (SV) đang nghiêm trang chào quốc kỳ, chuẩn bị xây dựng phòng tuyến sông Cầu. Khi "trung đoàn SV" vừa nghe hết huấn thị từ ban giám hiệu, bỗng một SV chạy lên phía trước, quỳ xuống ôm hôn cột cờ Tổ quốc. Anh thay mặt toàn thể SV tuyên thề.

Hình ảnh xúc động trào dâng trong chúng tôi khí phách anh hùng Lý Thường Kiệt từng đánh tan hàng vạn quân Tống xâm lược trên trận tuyến lịch sử sông Cầu (sông Như Nguyệt xưa) năm 1077. 

Sau này, cùng đào đắp chiến hào trên phòng tuyến, chúng tôi mới nhận ra người ôm hôn cột cờ Tổ quốc ấy chính là Đinh Trung Kiên, SV khoa lịch sử.

"Nhiều lần tình nguyện ra biên giới, nhưng tôi không được nhận vì bị cận thị nặng. Cuối cùng, tôi xin tham gia xây dựng phòng tuyến bảo vệ thủ đô ở đoạn Thái Nguyên. Ngày tháng ấy hào hùng, thiêng liêng lắm! Không chỉ thanh niên, mà cả người già, phụ nữ, trẻ em cũng tình nguyện đêm ngày đào hầm hào, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc".

Ông Trần Văn Thái, cựu sinh viên Đại học Y dược, Hà Nội

"Trung đoàn sinh viên"

Thời khắc lịch sử bi tráng ấy, chúng tôi vừa tỉnh giấc bỗng nghe loa phóng thanh ký túc xá SV Đại học Tổng hợp ở Mễ Trì, Đống Đa, Hà Nội, vang lên bản tin thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói VN. Mọi người bàng hoàng, căm phẫn! Quân bành trướng Trung Quốc đã nổ súng ở biên giới phía Bắc ngày 17-2-1979.

Trong sân trường, SV dùng nón, băngrôn, miếng ván, bìa cactông viết những khẩu hiệu phản đối hành động của quân bành trướng Trung Quốc. Trên tầng nhà C2, C3, nhiều SV nắm chặt tay nhau, hô vang: "Ra mặt trận quyết tử thôi anh em ơi...".

Nhiều SV kéo nhau chạy bộ qua cánh đồng lên khu Thượng Đình, nộp đơn tình nguyện đi chiến đấu cho ban giám hiệu nhà trường. Ít ngày sau, ban giám hiệu thông báo những SV chưa đến lượt đi chiến đấu sẽ đảm nhiệm xây dựng phòng tuyến sông Cầu, tạo vành đai bảo vệ vùng đông bắc thủ đô Hà Nội phía sau chiến tuyến biên giới.

Ban đầu, trường chọn SV là cựu binh để lên phòng tuyến sông Cầu, nhưng hầu hết SV các khoa đều đồng loạt tình nguyện ra mặt trận. Tinh thần sẵn sàng hi sinh vệ quốc sôi sục. Trước nhiệt huyết đó, ban quân sự trường quyết định chủ yếu chọn SV năm nhất và năm hai để thành lập "trung đoàn SV" đi xây dựng tuyến phòng vệ thủ đô.

Hai lớp ngữ văn khóa 23 chúng tôi trở thành một đại đội. Mỗi lớp một trung đội. Cả sân trường rộng chật kín SV mang balô, chuẩn bị đứng thành hàng. Không khí vừa trang nghiêm vừa hừng hực đến lạ.

Bỏ lại mái trường, không khí hướng về cuộc chiến hừng hực trong trái tim mỗi người. Chúng tôi, những chàng trai, cô gái trẻ, đều xác định xây dựng phòng tuyến cũng là sẵn sàng cho ngày cầm súng vệ quốc. Không ai tính toán ngày trở về để tiếp tục lên giảng đường, vì những lá đơn đều tình nguyện sẵn sàng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng.

Mồ hôi trên phòng tuyến sông Cầu

Chúng tôi hạ trại tại làng Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (nay tỉnh Bắc Giang), dưới chân dãy núi Nham Biền tạo thế cánh cung chạy dài nhiều kilômet thành lũy núi non. Nơi đây, chúng tôi sẽ xây dựng phòng tuyến sông Cầu cùng với phòng tuyến ở nhiều địa phương khác, để khép kín vành đai bảo vệ thủ đô Hà Nội nếu chiến tuyến biên giới lùi về.

Trời còn mờ sương, làng Vân Trung đã rộn rịp bước chân trần và tiếng cuốc, xẻng trong tay SV đào hào. Nhiệm vụ chúng tôi là đào những dãy hào sâu hơn 1m, rộng 0,8m, dọc theo những dãy đồi xa tít tắp. Trời nắng chang chang và lòng đất đầy đá không làm nản những bàn tay vừa mới rời cây bút.

Khi nữ SV đào phải đá tảng thì ngay lập tức có mặt nam SV dùng cuốc chim, xà beng để giúp bật đá lên. Chàng SV Hà Nội Triệu Tuấn (nay là đạo diễn phim truyền hình) chưa thể quên có lần một nam sinh căng sức, dùng hai cánh tay đu trên cái xà beng để bẩy tảng đá ra khỏi lòng hào. 

Khi tảng đá bị hất tung, bất ngờ sinh viên này ngã ngửa, nằm bất động trên miệng hào. Anh em thay nhau cõng đi cấp cứu, nhưng xuống được nửa quả đồi thì anh ta tỉnh dậy và nằng nặc đòi quay lại đào tiếp.

Ngày nào, hàng ngàn SV cũng ăn trưa trên chiến hào ngổn ngang đất đá. Bếp cơm tập thể do SV nấu trong làng, nhưng được các mẹ, các chị dân làng giúp gánh lên giữa trưa nắng. Đó là khi những bát cơm chan lẫn mồ hôi thanh niên. Đó cũng là khi những "ca sĩ", "cây thơ" râm ran lòng hào...

Đại tá Nguyễn Văn Thu, giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân, nhớ mãi ngày thầy giáo dạy môn mỹ học Đỗ Văn Khang lên phòng tuyến với SV. Hôm ấy, thầy cùng hàng trăm SV tạm dừng tay xẻng, đứng trên thành hào, hát vang bài ca Từ đỉnh cao này do chính thầy mới sáng tác. Mặt mũi anh em lấm lem đất cát, nhưng giọng hát thì vang động vô cùng: Từ đỉnh cao này ta thấu muôn phương/ Tới phương trời bắc mây đen dày đặc...

Buổi chiều, đón chúng tôi về nghỉ ngơi sau ngày đào hào là đồng bào làng Vân Trung. Họ nghèo khó nhưng tấm lòng rộng mở. Hôm chúng tôi mới đến, thấy các gia đình chuẩn bị giường chiếu tốt nhất ở gian ngoài, còn gia đình vào gian trong ở.

Như cuộc phòng thủ Leningrad

42 2 Hang Ngan Sinh Vien Dao Dap Chien Hao Bao Ve Thu Do

Các sinh viên trong phút nghỉ tay trên phòng tuyến sông Cầu - Ảnh: TRIỆU TUẤN

Nhắc nhớ máu xương trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên xúc động kể Việt Nam luôn muốn hòa bình nhưng cũng sẵn sàng tất cả cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Khi Trung Quốc tung quân ồ ạt tấn công biên giới phía Bắc, ông đang là bộ trưởng Bộ Xây dựng được điều động trở lại quân đội, làm tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu thủ đô. Là chỉ huy phòng tuyến phía sau để bảo vệ Hà Nội, nhưng ít ai biết một phần máu xương của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến tuyến biên giới.

Ngay ngày thứ hai quân Trung Quốc đánh phá Lạng Sơn, tháng 2-1979, người con trai thứ 4 của ông là Nguyễn Tiến Quân, đại đội trưởng đại đội pháo binh đóng ở pháo đài Đồng Đăng, đã anh dũng hi sinh. Trước kẻ thù đông áp đảo, Tiến Quân đã cùng đồng đội kiên cường bắn đến viên đạn cuối cùng và hi sinh tại trận địa...

Nuốt nỗi đau mất mát cốt tủy vào lòng, tướng Đồng Sĩ Nguyên nhận nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ thủ đô nếu ngọn lửa chiến tranh lan tới đây. Tổng bí thư Lê Duẩn dặn dò: "Nếu chiến tranh còn kéo dài, mở rộng, thủ đô sẽ là tâm điểm của cả nước. Anh suy nghĩ kỹ, cùng Bộ tổng tham mưu xây dựng phương án phòng thủ thủ đô, có chiều sâu, cố thủ lâu dài, kết hợp phản công, tiến công trong phòng ngự.

Cùng với các quân khu khác tiến hành chiến tranh nhân dân kiên cường, phải giữ bằng được thủ đô Hà Nội như cuộc phòng thủ Leningrad vĩ đại trong đại chiến Thế giới thứ 2".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng động viên ông làm tốt nhiệm vụ trọng đại này.

Ngay sau đó, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã cùng Bộ Quốc phòng xây dựng phương án phòng vệ thủ đô, phía bắc đến Đáp Cầu (Bắc Ninh), phía tây đến tả ngạn sông Đà, phía đông đến Hưng Yên và phía nam đến Phủ Lý.

Lực lượng trực thuộc quân khu gồm 3 sư đoàn bộ binh, một số trung đoàn binh chủng và lực lượng dự bị. Các công việc xây dựng công sự chiến đấu, hầm hố phòng tránh và huấn luyện bộ đội được khẩn trương thực hiện.

Đầu tháng 3-1979, ông lên thị sát chiến trường biên giới, đứng lặng trước nấm mồ còn sực mùi đất mới của người con trai hi sinh khi chưa kịp có vợ con. Tuy nhiên, trong nỗi đau mất mát, vị tướng đầu bạc dày dạn trận mạc vững niềm tin chiến thắng.

Dọc đường ông đi, dân quân hừng hực khí thế sẵn sàng vì đất nước. Người cầm súng ra chiến tuyến, người lao động bất kể ngày đêm để đào hầm hào phòng thủ cho các tuyến sau. Già, trẻ, trai, gái, thậm chí em nhỏ cũng tay cuốc, tay xẻng cùng bộ đội đào hào chiến đấu. Phòng tuyến quân dân giăng ngang biên giới lẫn trải dài từ địa đầu chiến sự về đến thủ đô Hà Nội.

Dù kẻ thù hung mạnh thế nào, nước Việt vẫn vững vàng như luôn kiên cường trường tồn suốt hàng ngàn năm lịch sử đầy bão dông...

QUỐC VIỆT

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC